Quảng Nam:

Hàng chục người ngâm mình dưới nước lạnh làm đường qua "ốc đảo"

(Dân trí) - Dù trời lạnh cóng nhưng hàng chục người dân thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn ngâm mình dưới làn nước lạnh buốt để hoàn thành con đường và cầu nối "ốc đảo" này với bên ngoài.

Trưa 21/12 là ngày cuối tuần nên số lượng người tham gia đông hơn ngày thường. Ai cũng hối hả với công việc để đưa con đường hoàn thành trước Tết cho người dân lưu thông dễ dàng.

Đang chỉ huy những người trong thôn làm đường, ông Đỗ Văn Thái - Phó Ban chỉ huy công trình - cho biết, vì quá bức bách việc đi lại nên người dân quyết phải làm cho được con đường và cầu bắc qua sông.

Dù lạnh buốt nhưng anh Huỳnh Thoa vẫn ngâm mình dưới nước trải bạt cho mái taluy cầu
Dù lạnh buốt nhưng anh Huỳnh Thoa vẫn ngâm mình dưới nước trải bạt cho mái taluy cầu

Với quyết tâm của người dân "ốc đảo", trưởng thôn đứng ra tổ chức mời mọi người họp bàn phương án thiết kế cũng như kế hoạch thi công công trình. Theo đó, ai có tiền góp tiền, ai có công góp công, ai có tre góp tre… Ngày 7/12, công trình được khởi công và mọi việc được người dân khẩn trương bắt tay vào làm.

Trưởng thôn Đông Bình - ông Võ Đức Cường - mấy ngày nay cũng vất vả chạy theo công việc để người dân trong thôn mình sớm có chiếc cầu và con đường qua sông.

Ông nói: "Khổ lắm, mấy chục năm nay dân Đông Bình chúng tôi chờ đợi một cây cầu vững chắc bắc qua sông nhưng chưa làm được vì địa phương khó khăn quá. Cơn lũ vừa qua cuốn trôi chiếc cầu phao duy nhất khiến cuộc sống của người dân ở thôn càng thêm khó khăn hơn khi hàng ngày phải chờ đò, có khi trễ nải công việc, học hành".
 
Dù lạnh buốt nhưng anh Huỳnh Thoa vẫn ngâm mình dưới nước trải bạt cho mái taluy cầu

Ông Cường cũng tâm sự, dù người dân ở Đông Bình quyết tâm tự đứng ra làm cầu và đường nhưng khó nhất vẫn là việc đi huy động tiền vì người dân ở đây quá nghèo, mỗi ngày với công việc làm chiếu cói một người dân ở đây chỉ có thêm thu nhập vài chục ngàn đồng.

Còn ông Đỗ Văn Thái thì ưu tư: "Quyết tâm thì có nhưng đụng đến tiền thì khó. Tôi đã cố gắng huy động người dân trong thôn và các nhà hảo tâm được 90 triệu đồng rồi nhưng vẫn không đủ. Có hôm tôi đội mưa đội gió lạnh đi vận động nhưng cũng không được đồng nào".

Theo quy định của thôn, ai có kinh tế khá thì góp 2 triệu đồng làm cầu, người nghèo thì góp 500 ngàn đồng. Còn không thì có tre góp tre và góp công. Với số tiền góp cao nhất là 2 triệu đồng nhưng vì ai cũng khó khăn nên đây là một số tiền đáng kể.
 
Người dân thôn Đông Bình ai cũng tham gia vào việc làm cầu và đường qua thôn
Người dân thôn Đông Bình ai cũng tham gia vào việc làm cầu và đường qua thôn

Tuy nhiên, nhiều người dân ở Đông Bình cho rằng số tiền còn rẻ hơn so với tiền đi đò hoặc cầu phao, vì tính ra mỗi năm một người dân ở đây phải tốn từ 4-5 triệu tiền cầu và đò.

Với số tiền góp được, ban quản lý công trình mua thêm tre, bạt, dây cột, xăng chạy máy hút cát… nhưng cũng không thấm vào đâu.

Trưa 21/12, dù đã đến giờ nghỉ nhưng vẫn có hàng chục người cố làm hết công việc để nước thủy triều lên thì nghỉ. Gần đó 4 chiếc máy thổi vẫn nổ phành phạch đưa cát vào công trình.

Đã mấy ngày ngâm mình dưới nước lạnh buốt để giăng bạt dưới đáy cho cát bên trong chân không trôi ra ngoài, anh Huỳnh Thoa vẫn chịu lạnh làm công việc của mình.
 
Công trình cao điểm có lúc lên đến 50-60 người
Công trình cao điểm có lúc lên đến 50-60 người

Anh Thoa nói: “Dù lạnh nhưng ngâm hoài dưới nước lại ấm, bước lên lại lạnh hơn. Dù sao cũng phải cố làm cho xong để Tết này bà con có đường mới đi chơi”. Anh Thoa cũng cho biết, bản thân mình cũng góp một ít kinh phí và công sức vào công trình này.

Nói về công trình “tự phát” này, Chủ tịch xã Duy Vinh – ông Phan Công Nhanh – cho biết: Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân thôn Đông Bình vì hàng chục năm qua họ luôn mong muốn có con đường và từ thôn qua sông ra bên ngoài để đảm bảo an toàn, phát triển kinh tế... Nay vì bức xúc với việc đi lại nên họ tự góp nhau và vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp. 

Trước đó ngày 22/11, báo Dân trí đã có bài phản ảnh tình trạng lũ cuốn trôi chiếc cầu phao duy nhất nối "ốc đảo" Đông Bình (xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) với "thế giới" bên ngoài khiến người dân vất vả trong việc qua sông. Hy vọng với sự chung tay đóng góp của mọi người và những tấm lòng hảo tâm, người dân thôn Đông Bình sẽ sớm có con đường và cầu an toàn đón Tết.

Công Bính