Hàng chục người gặp nạn ở môi trường nước trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5
(Dân trí) - Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 20 trường hợp bị đuối nước, cứu được 16 người, còn lại 4 trường hợp tử vong và mất tích.
Dịp lễ 30/4 và 1/5 rơi vào thời điểm nắng nóng. Do đó người dân đổ xô đến các bãi biển, sông suối vui chơi, tắm mát. Trong 5 ngày nghỉ lễ đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước làm nhiều người gặp tai nạn, tử vong, mất tích ở môi trường nước tại các địa phương.
Dịp lễ này, Quảng Ngãi là địa phương có số người gặp tai nạn, tử vong, mất tích do đuối nước cao nhất cả nước.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện thi thể 2 trong số 4 học sinh bị đuối nước (Ảnh: Quốc Triều).
Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 20 trường hợp bị đuối nước. Các lực lượng chức năng và người dân tại địa phương đã ứng cứu được 16 người, còn lại 4 trường hợp tử vong và mất tích.
Những vụ đuối nước đều xảy ra tại các bãi tắm tự phát, không có lực lượng cứu hộ. Cả 4 nạn nhân đều là học sinh. Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 thi thể trong số 4 nạn nhân mất tích nêu trên.
Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tại các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Lâm Đồng cũng ghi nhận các trường hợp tử vong do đuối nước.
Nạn nhân đuối nước tại Phú Yên là em N.M.N. (13 tuổi, trú tại thị xã Đông Hòa). Em N. đến hồ Hóc Răm (huyện Tây Hòa) tắm rồi bị đuối nước tử vong.
Tại Lâm Đồng, nạn nhân bị đuối nước tử vong là anh T.Đ.H.N. (32 tuổi, trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Anh N. cùng nhóm bạn đến khu vực suối Đạ Huoai vui chơi thì xảy ra tai nạn.
Một nạn nhân khác là anh N.L.L.S. (21 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Ngày 1/5, anh S. đến bãi tắm Vĩnh Lai (huyện Vĩnh Linh) tắm biển thì bị sóng cuốn trôi. Sau một ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện thi thể anh S. cách nơi gặp nạn khoảng 250m.

Biển Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đông nghịt trong dịp lễ 30/4 và 1/5 (Ảnh: Thanh Tùng).
Vào các dịp lễ, số vụ tai nạn do đuối nước lại tăng cao, đặc biệt là ở trẻ em. Theo thống kê, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 2.000 trẻ em bị đuối nước.
Nguyên nhân dẫn đến đuối nước phần lớn do ý thức của người dân về việc tự bảo vệ bản thân trong môi trường nước chưa cao. Nhiều gia đình chưa sát sao trong quản lý con em. Nhiều người không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan khi tắm biển, sông suối nên dẫn đến tai nạn đuối nước.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước, người dân cần tuân thủ cũng như giáo dục con em tuyệt đối không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết. Đối với trẻ em phải có người lớn giám sát khi tắm biển, sông suối, ao hồ...
Người dân cần chú ý các khu vực có cảnh báo nguy hiểm, tuyệt đối không bơi, tắm ở những nơi có biển báo nước sâu, dòng chảy xa bờ hoặc cảnh báo biển động.