Hàng chục năm mơ được về quê ăn Tết
(Dân trí) - Tết đến xuân sang cũng là lúc người người về quây quần bên gia đình. Nhưng với những người đang sống ở trại phong Ba Sao, được trở về gia đình, quê hương sum vầy trong những ngày Tết có lẽ chỉ có trong giấc mơ…
Nằm cách thành phố Phủ Lý gần 20km, trại phong Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam có thể nói là nằm ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, bao quanh bốn bề là núi non trùng điệp. Những ai đã từng có dịp đến đây vào những ngày giáp Tết có lẽ sẽ phải “mê mẩn” với vẻ đẹp tự nhiên tràn ngập sức sống của mùa Xuân nơi đây.
Từ cổng vào cho đến khắp các khu điều trị, nhà ăn, hành lang cho đến khu dân cư, khắp nơi tràn ngập hoa đào. Nhưng ẩn đằng sau sức sống mơn mởn của mùa Xuân đó là những mảnh đời bất hạnh, là những ánh mắt buồn tủi… Có những người có nhà, có gia đình, có quê hương nhưng ngót hơn nửa đời người họ chưa một lần được đặt chân về ăn Tết.
Tại khu điều trị dành cho các bệnh nhân già yếu, không nơi nương tựa, các cụ đang chia nhau từng cân gạo, gói mỳ tôm, cái bánh chưng… cười đùa vui vẻ. Với họ như vậy là đủ một cái Tết. Bệnh viện cho thêm mỗi người nửa cân giò, nửa cân thịt, thế là đầm ấm.
Bà Nguyễn Thị Thảo (64 tuổi), quê ở Nam Định, vào điều trị trong trại phong Ba Sao từ năm 16 tuổi. Sau khi điều trị bà lập gia đình với một người cùng cảnh ngộ, dưới sự chứng kiến của đội ngũ y bác sỹ và những mảnh đời cùng khổ. Dù đã khỏi bệnh từ lâu, trong lòng bà vẫn đau đáu sẽ về quê ăn Tết, ấy vậy mà từ đấy đến nay bà chưa một lần dám trở về quê hương.
Bà Thảo tâm sự: “Tôi vào đây từ năm 16 tuổi, thời bấy giờ nghe thấy bệnh phong hủi là khắp nơi xua đuổi. May mắn vào đây tôi mới có thể sống và làm lại cuộc đời, cuộc sống tuy vất vả nhưng bù lại chúng tôi yêu thương đùm bọc nhau. Nói thật Tết đến thiếu thốn nhiều thứ lắm, nhưng mà vật chất với chúng tôi không quá quan trọng đâu, thứ thiếu nhất vẫn là tình cảm chú à”.
Cũng như bà Thủy, bà Nguyễn Thị Dè (71 tuổi) quê ở Lý Nhân, Hà Nam, mặc dù quê nhà chỉ cách khu điều trị hơn 40km nhưng từ khi vào điều trị ở Ba Sao đến nay đã hơn 50 năm, bà cũng chưa từng một lần về quê ăn Tết.
Những năm đầu mới thành lập bệnh viện, khu điều trị có ít phòng, nên những ai còn trẻ khỏe được bệnh viện tạo điều kiện ra ngoài để xây dựng nhà ở. Nói là nhà chứ hầu hết cũng chỉ là những túp lều tạm bợ. Tết đến xuân về, nhà nào sang lắm thì có thêm đĩa xôi, con gà đặt lên bàn thờ, còn hầu hết chỉ là ít hoa quả do chính các bệnh nhân tăng gia sản xuất bày lên mâm cho có.
Hiện nay trong trại phong Ba Sao có tổng cộng 79 người điều trị, trong số đó chỉ có 7 người về quê ăn Tết. Còn lại đa phần đều ở lại, ngoài số tiền phụ cấp hàng tháng của nhà nước là 540.000đ/tháng, Tết đến được hỗ trợ thêm 100.000đ, còn lại là nhờ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, người thì gạo, người thì bánh kẹo, người thì bánh chưng… Cứ thế mỗi người chung tay là mọi người trong trại phong Ba Sao đủ cái Tết.
Cầm hai chiếc bánh chưng, thêm một chai nước mắm, một gói mỳ chính bà Nguyễn Thị Dè tâm sự: “Ông nhà tôi mất lâu rồi, giờ có một mình tôi vài bữa nữa mua thêm 5 lạng thịt, ít xương về với cái bánh chưng này, thêm ít phần bệnh viện cho nữa là đủ cái Tết rồi. Thiếu mãi cũng quen rồi chú à!”.
Ngồi ngoài cổng, đôi mắt đã mờ nhưng cụ Phạm Viết Nuôi (84 tuổi), vẫn nhìn về phía xa xa, cụ quê ở Ninh Bình, vào Ba Sao cũng gần 60 năm nay. Giờ người thân ở quê cũng chẳng có ai, cũng chẳng ai nhớ đến cụ vì quá lâu rồi. Nhưng cụ vẫn mong được về quê ăn Tết, được hít bầu không khí của quê hương, nhưng có lẽ với cụ đó là điều không thể.
“Lúc bị bệnh tôi bỏ gia đình đi coi như mình mất tích, mấy chục năm không về quê hương, sau này về thì cũng chả còn ai thân thiết mà cũng chẳng ai nhận ra mình. Thế cũng tốt, cả đời trốn tránh nhưng những lúc Tết về tôi vẫn ao ước mình được về quê, được thắp nén nhan cho bố mẹ”, cụ Nuôi tâm sự.
Có những người mong lắm cái Tết thật nhanh, nhưng cũng thật lâu vì nhiều người có con cái đi làm ăn xa, dù không về được quê nhưng họ được con cái vào thăm non chăm sóc. Chính vì mỗi một năm mới gặp được con một lần nên nhiều người họ mong ngóng từng phút từng giây một…
Đằng sau những nụ cười của hoa đào trong trại phong Ba Sao, còn là những ánh mắt khóc không nên lời, có lẽ vì họ đã quá quen với cái cảnh cô đơn này. Nhưng trái tim họ chưa bao giờ thôi mách bảo, thôi mong mỏi lắm một lần được về quê ăn Tết. Thiếu thốn vật chất cũng khổ lắm, nhưng thứ mà họ cần có lẽ là tiếng cười hạnh phúc nơi trái tim họ.
Đức Văn