ĐBSCL:
Hạn, mặn gây thiệt hại hơn 2.280 tỷ đồng
(Dân trí) - Ngày 28/4, tại tỉnh Bến Tre, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo: “Giải pháp nâng cao năng lực của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn”.
Theo đó, đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay gây thiệt hại cho toàn vùng ước trên 2.280 tỷ đồng, rất nhiều hộ dân ở nông thôn thiếu nước sinh hoạt, phải mua nước ngầm với giá đắt đỏ.
Tỉnh Bến Tre là địa phương bị thiệt hại rất nặng nề, đến thời điểm này hạn, xâm nhập mặn đã làm thiệt hại hoàn toàn 17.400 ha lúa đông xuân; 440 ha rau màu; hơn 527.7000 cây giống và hoa kiểng; 7.860 ha cây ăn trái thiệt hại từ 50 – 70%; gần 1 triệu hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt; đàn gia súc 680.000 con thiếu nước uống…
Các giải pháp trong thời gian qua tỉnh đã làm là đắp 7 đập tạm ngăn mặn phát huy hiệu quả rất tốt. Hướng tới Hội nông dân tỉnh tập trung tuyên truyền về việc thay đổi lịch thời vụ, tưới tiêu tiết kiệm, nghiên cứu triển khai các giống cây trồng mới chịu mặn. Tiếp tục khảo sát các vị trí để xây dựng các hồ trữ nước phục vụ dân sinh.
Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí cho hộ dân trong vùng bị thiệt hại hoàn toàn để tái sản xuất, đồng thời chuyển giao các mô hình tưới nước tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho biết: “Hội nông dân Việt Nam sẽ kiến nghị Trung ương ưu tiên các nguồn vốn vay, vốn tài trợ đồng thời giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ nông dân vùng thiên tai để họ có điều kiện tái sản xuất và ổn định cuộc sống”.
Ngoài ra, sẽ kiến nghị Bộ, ngành Trung ương chuyển giao các công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước trong trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ xử lý nước, cung cấp các loại giống cây trồng, vật nuôi cho nông dân thích ứng với điều kiện sản xuất trong vùng hạn, xâm nhập mặn; Hỗ trợ các tỉnh đầu tư xây dựng công trình nạo vét kênh cấp I và cống điều tiết trên kênh; Hỗ trợ nông dân công nghệ xử lý nước, dụng cụ dự trữ nước ngọt cho người dân sống phân tán.
Nông dân huyện Ba Tri (Bến Tre) đào giếng thật sâu để lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt
Đồng thời, giúp nông dân trong việc khoan giếng tìm nguồn nước ngọt theo đúng quy hoạch; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường; thiết bị đo độ mặn để người dân biết tỷ lệ độ mặn chủ động lấy nước cho cây trồng, vật nuôi.
Về lâu dài, trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu, xây dựng đề án phát triển sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Hỗ trợ các địa phương xây dựng các hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sản xuất và đời sống. Đối với các tỉnh cần tăng cường khuyến cáo người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chịu hạn, thích nghi với hạn, mặn…
Minh Giang