1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hạn hán khốc liệt tại Đắk Lắk

(Dân trí) - Hạn hán kéo dài đã khiến hàng ngàn héc ta cây trồng tại Đắk Lắk thiếu nước trầm trọng. Ngoài ra, nắng hạn còn khiến trên 2.000 hộ dân trên địa bàn không có nước sinh hoạt, đời sống khó khăn.

Hạn hán khiến hàng ngàn héc ta cây trồng bị khô hạn

Dọc theo tuyến tỉnh lộ 12 đoạn qua xã Ea Trul (huyện Krông Bông) là hình ảnh những cánh đồng lúa 2 bên đường khô cằn, chết khô vì thiếu nước trầm trọng. Người dân địa phương đành ngậm ngùi cắt lúa non cho bò ăn hoặc chăn thả bò ăn lúa để vớt vát chút tài sản còn lại giữa cánh đồng khô nắng cháy.

Hạn hán khốc liệt tại Đắk Lắk - 1
Những cánh đồng lúa cây chết khô vì thiếu nước

Bà Mí Huar (xã Ea Trul) cho biết, gia đình bà có 3 sào lúa, lúa đang sinh trưởng thì gặp hạn hán không có nước tưới nên năm nay không có thu hoạch. Tiền công, phân bón còn nợ chưa thanh toán hết lại đến lúa không có thu về khiến đời sống rất chật vật.

“Không có nước nên lúa non khô trên đồng chỉ biết cho bò ăn chứ không biết làm sao, năm nay hạn khiếp quá”, bà Mí Huar buồn bã nói.

Ngồi bệt trên cánh đồng chờ đàn bò đang gặm lúa và cỏ khô, chị Rơ Moan Bkrông chia sẻ, như mọi năm thời điểm này gia đình chị chuẩn bị thu hoạch lúa còn năm nay thiếu nước nghiêm trọng, cây trồng chết khô cả, chị đành xin đi chăn bò thuê kiếm tiền trang trải cái ăn cái mặc qua ngày.

Hạn hán khốc liệt tại Đắk Lắk - 2

Người dân đành chăn thả bò trên cánh đồng lúa khô cằn

Còn xã Ea Ô (huyện Ea Kar) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán. Toàn xã có khoảng 800 ha cây trồng, trong đó có 600 ha lúa đông xuân, hiện có gần 70 ha lúa đã chết khô. Nắng hạn khiến nguồn nước  giếng đào, giếng khoan cạn kiệt, không có nước để tưới cho cây.

Hạn hán khốc liệt tại Đắk Lắk - 3

Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do hạn hán

Ea Ô không chỉ thiếu nước sản xuất mà đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hiện 109 hộ tại xã sử dụng nước giếng đào nay đã cạn khô. Những hộ thiếu nước sinh hoạt đều hộ nghèo, không có điều kiện khoan giếng UBND xã đã vận động các hộ dân trong thôn có giếng khoan chia sẻ nguồn nước cho các hộ đang thiếu.

Hạn hán khốc liệt tại Đắk Lắk - 4
Hồ chứa nước mực nước đnag xuống rất thấp

Ông Lê Đình Chiến - Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết: Những năm trước, 63 hồ chứa nước trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo tưới hơn 9.000 ha cây trồng. Năm  nay do nắng hạn kéo dài nên dòng sông Krông Pắk, Krông Năng  đã cạn kiệt, nhất là đoạn sông chảy qua xã Ea Sô, Ea Sar, xã Cư Ea Lang đã hết nước.

"Huyện đã chia 3 khu vực chống hạn, thành lập tổ điều tiết nguồn nước trên dòng sông Krông Pắk. Khảo sát 3 điểm trên dòng sông Krông Năng để làm các đập dâng,  xả nước từ  hồ 333 xuống dòng sông cứu diện tích cây trồng", ông Chiến cho hay.       

Hạn hán khốc liệt tại Đắk Lắk - 5

Nhiều cánh đồng lúa sắp cho thu hoạch cạn khô nước tưới

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đắk Lắk toàn tỉnh có 11.570 ha cây trồng bị hạn (riêng huyện Ea Kar có 6.364 ha thiếu nước tưới do mực nước sông Krông Pắc cạn kiệt); trong đó: Lúa 4.045 ha (huyện Ea Kar 1.838 ha,), cây hoa màu 2.011 ha, cây lâu năm 5.514ha.

Toàn tỉnh có tổng số 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng; 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3.

Hạn hán khốc liệt tại Đắk Lắk - 6
Đất nứt nẻ do nắng hạn kéo dài

Hiện nay, mực nước các hồ chứa chủ yếu duy trì ở mức thấp; hồ chứa nhỏ phổ biến cạn kiệt, trong đó có 96 hồ cạn khô hoàn toàn, các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng từ 30 - 50% dung tích thiết kế, một số hồ lớn còn dưới 30%.               

Có 2.802 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt ở các huyện: Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, Buôn Đôn, Cư M'gar. Giải pháp khắc phục hiện nay các hộ chủ động chia sẻ nguồn nước trong vùng để đảm bảo phục vụ sinh hoạt, riêng huyện Ea Súp đã tổ chức khoan sâu các giếng bị cạn kiệt để khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt.    

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm