Sáng 14/7, kỳ họp thứ 2 của HĐND TPHCM tiếp tục phần chất vấn, đại diện Sở Công thương, Sở Y tế đăng đàn trả lời. Các câu hỏi xoay quanh việc bình ổn giá cả, kiểm soát thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, việc cấp phát và khám bệnh theo bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, phụ nữ, nâng cấp, mở rộng bệnh viện để giảm tình trạng quá tải…
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Huỳnh Công Hùng cho rằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển chuyên sâu bệnh viện tuyến quận/huyện là cần thiết. Thế nhưng, đã có chỉ đạo việc này từ hơn 10 năm trước nhưng đến nay triển khai quá chậm. Có đến 28 dự án bệnh viện cửa ngõ vẫn “án binh bất động”. Các trung tâm y tế dự phòng chưa được đầu tư đúng mức về con người, thiết bị, chính sách và sự gắn kết giữa các tuyến.
"Chuyên môn chúng ta không thua kém ai, chỉ thua ở cơ sở hạ tầng, thiết bị"
Đại biểu Thái Tuấn Chí nghi ngờ về chuyên môn của đội ngũ bác sĩ. “”Có đến 4.700 ca dịch sốt xuất huyết. Trong 2 ca tử vong thì có 1 ca do chẩn đoán bệnh lý sai. Phải chăng do bệnh lý quá khó hay do chuyên môn của các bác sĩ kém dẫn đến bệnh nhân tử vong? ”.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết, 4 năm trước, tỉ lệ viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ là 44%. Sau đó, đã có đề án cải trạng viêm nhiễm phụ khoa nhưng đến nay, tỉ lệ viêm nhiễm cũng con số này”.
Ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bệnh viện là vấn đề lớn, được nhiều cử tri quan tâm.
“Cái khó là các dự án như Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Thủ Đức… hiện đang vướng việc giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ. Việc chăm sóc sức khỏe cho người dân còn quá tải bởi thiếu y bác sĩ.
Hiện cần 8.000 cán bộ y tế dự phòng thì mới cân bằng được. Quy định là 4 bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho 1 vạn dân, nhưng hiện mới có 2,6 bác sĩ/vạn dân. Chưa kể, các y bác sĩ còn kiêm nhiệm công việc ở các trung tâm y tế dự phòng…”, ông Thanh nói.
Đại biểu Đặng Văn Tươi cho rằng thẻ bảo hiểm y tế có thời hạn 1 năm là quá ngắn. Một số hộ nghèo vùng sâu, xa, người già neo đơn… khi đang chữa bệnh thì thẻ hết hạn, họ phải về địa phương làm lại thì rất vất vả. Do vậy, ông Tươi kiến nghị nên gia hạn thẻ bảo hiểm y tế thời hạn ít nhất là 5 năm.
Đại biểu Lê Minh Đức cũng cho rằng việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào các ngày thứ 7, chủ nhật vẫn còn tình trạng "chỗ làm chỗ không". Cán bộ y tế “chây ì” vào các ngày cuối tuần.
Về việc cấp cứu chậm trễ, đại biểu Đức bức xúc: “Hệ thống cấp cứu 115 còn quá chậm chạp. Phải làm sao để đường dây nóng 115 thật sự “nóng” thì bà con mới yên tâm”.
“Hằng năm, cả nước có nhiều người đi ra nước ngoài như Thái Lan, Singapore để khám chữa bệnh. Điều này, không những làm mất đi một nguồn ngoại tệ lớn mà các bác sĩ mất cơ hội nâng cao tay nghề, mất uy tín của ngành y của thành phố lớn”, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân chất vấn.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, ông Phạm Việt Thanh cho biết sẽ làm việc lại với Bảo hiểm y tế để tham khảo ý kiến về kéo dài thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Sắp tới, TPHCM sẽ thành lập trung tâm cấp cứu ngoại viện để làm tốt công việc cấp cứu người bệnh.
“Có một nghịch lý rằng, Việt kiều hiện nay về nước chữa bệnh rất nhiều trong khi người trong nước ra nước ngoài chữa bệnh. Tôi khẳng định, chuyên môn chúng ta không thua kém ai, chỉ thua ở cơ sở hạ tầng, thiết bị mà thôi”, người đứng đầu ngành y tế thành phố nói.
Trước sự hoài nghi của các đại biểu về việc bác sĩ khám bệnh rồi kê toa thuốc không có trong danh mục 45 loại thuốc bình ổn giá, lãnh đạo Sở y tế cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, chấm dứt tình trạng này. “Chúng tôi chỉ đạo bác sĩ kê toa có thuốc bình ổn, còn những trường hợp kê thuốc ngoài danh mục thì bác sĩ phải giải thích cho người bệnh hiểu”, ông Phạm Việt Thanh nói.
Công Quang