TPHCM:
"Hầm Thủ Thiêm bị thấm trong giới hạn cho phép!"
(Dân trí) – Chiều 7/8, Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM (đại diện UBND TPHCM làm chủ đầu tư dự án Đại lộ Đông Tây) có công văn cho biết các vết trám trong hầm Thủ Thiêm là để xử lý thấm.
Tuy nhiên, theo Ban quản lý thì các vị trí này chỉ bị thấm nhẹ và nằm trong giới hạn cho phép theo hợp đồng kỹ thuật. Trong cuộc họp báo trước ngày khánh thành hầm Thủ Thiêm (19/11/2011), đại diện đơn vị tư vấn giám sát (Oriental Consultalts) cho biết là việc thấm nước tại các công trình hầm dìm vượt sông, vượt biển là chuyện bình thường nếu nằm trong giới hạn cho phép.
Hiện các vị trí thấm này đang được xử lý chống thấm bằng biện pháp khoan lỗ, lắp các đầu bơm (nút nhựa màu cam) và bơm chất chống thấm vào. Sau khi chất chống thấm đã ổn định và không còn thấm nữa, đơn vị thi công sẽ tháo các đầu bơm ra và vệ sinh khu vực xử lý chống thấm.
Cũng theo Ban quản lý thì các vị trí thấm này là các điểm mới phát sinh từ sau khi công trình hầm Thủ Thiêm được đưa vào sử dụng (sau ngày 20/11/2011) và các vị trí thấm này không trùng lắp với các vị trí thấm cũ đã xử lý trước đây (xuất hiện trước khi thông xe).
Ban quản lý cho biết là các vết thấm được phát hiện và đề nghị xử lý sau quá trình quan trắc của đơn vị tư vấn giám sát. Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng đã đồng ý với quy trình khắc phục vị trí thấm của đơn vị thi công.
Hiện việc xử lý thấm đang được thực hiện song song với việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ hầm Thủ Thiêm, sẽ hoàn thiện vào cuối tháng 8 này. Sau khi xử lý thấm xong, các vị trí thấm này sẽ tiếp tục được theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả xử lý cho Hội đồng nghiệm thu nhà nước.
Giữa năm 2008, ngay khi 4 đốt hầm dìm của hầm Thủ Thiêm được đúc xong thì cả 4 đốt hầm dìm đều xuất hiện nhiều vết rạn nứt kéo dài. Đến tháng 6/2009, công tác sửa chữa các vết nứt được tiến hành và hoàn tất vào tháng 9/2009. Tháng 12/2009, Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra thông qua.
Trong thời gian từ tháng 3/2010 - 6/2010, cả 4 đốt hầm lần lượt được dìm xuống đáy sông, mỗi tháng dìm 1 đốt. Và ngay sau khi hai đốt hầm đầu tiên được dìm xuống đáy sông Sài Gòn thì bắt đầu xuất hiện nhiều vị trí thấm nước. Sau quá trình dìm 4 đốt hầm hoàn tất thì xuất hiện hàng trăm vị trí thấm nước tại cả 4 đốt hầm dìm.
Đến khoảng tháng 8/2011 thì các vị trí thấm nước này đều được xử lý hết. Trước ngày khánh thành hầm Thủ Thiêm, đơn vị tư vấn giám sát công trình khẳng định đã xử lý hoàn toàn hiện tượng thấm nước trong hầm, công trình này không còn bị thấm 1 giọt nước nào.
Tuy nhiên, sau 8 tháng sử dụng thì hầm Thủ Thiêm bắt đầu xuất hiện thấm nước trở lại tại 1 số vị trí nên chủ đầu tư công trình phải bắt đầu duy tu, bảo dưỡng hầm và xử lý thấm từ ngày 21/7 – 24/8.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy tu, bảo dưỡng đường hầm, trong thời gian thi công, các loại xe lưu thông qua hầm từ 21h đến 6h sáng mỗi ngày phải giảm tốc độ và thực hiện theo hướng dẫn của hệ thống biển báo trên đường, hoặc theo sự hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông, cảnh sát giao thông.
Tùng Nguyên