1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ

(Dân trí) - Hệ thống điện chiếu sáng kém, nước xuất hiện trong các khớp đấu nối vỏ bê tông cốt thép, hệ thống cột phân luồng gãy đổ ngổn ngang... Đó là những thực trạng đáng báo động tại Hầm đường bộ Đèo Ngang.

Hầm đường bộ Đèo Ngang (xuyên qua dãy Hoành Sơn, trên quốc lộ 1A, thuộc địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) được khởi công tháng 4/2003 và hoàn thành vào tháng 8/2004, với tổng kinh phí 150 tỉ đồng. Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Sông Đà, đơn vị thi công là Công ty Sông Đà 10, một đơn vị trực thuộc tổng công ty.
 
Hầm có chiều dài 495m; chiều rộng 11,5m, cao 7,5m với 6 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m, đảm bảo cho các phương tiện cơ giới đạt tốc độ tối đa 60km/h. Sau khi hoàn thành Tổng Công ty Sông Đà giao cho Công ty BOT hầm đường bộ đèo Ngang (nay là Công ty MTV Hạ tầng Sông Đà Hà Tĩnh) quản lý, khai thác. 

Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ - 1
Hầm đường bộ Đèo Ngang

Sau khi nhận được phản ánh về thực trạng hầm đường bộ Đèo Ngang xuất hiện nước và cọc tre, chiều 3/3, PV Dân trí đã có mặt tại Hầm đường bộ Đèo Ngang, chứng kiến những phản ánh của người dân về thực trạng đang xảy ra tại đây là có thật và rất đáng lo ngại.

Đầu tiên phải kể đến hệ thống cột phân luồng. Những thông tin mà chúng tôi có được suốt chiều dài tuyến hầm được bố trí 95 cọc phân luồng nhằm đảm bảo tối đa an toàn giao thông, tránh va quệt gây tác hại đến hầm. Nhưng hiện tại phải đến hơn 1/4 số cọc nói trên đã biến mất khỏi hầm đường hoặc bị gãy đổ, xiêu vẹo. Do mất nhiều cột phân luồng nên hệ thống phân luồng bị gián đoạn, chỗ có chỗ không.

Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ - 2
1/4 trong tổng số 95 cọc phân luồng đã biến mất khỏi hầm 

Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ - 3
Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ - 4
số còn lại hoặc gãy đổ, hoặc xiêu vẹo, "nguệch ngoạc"

Nguy hiểm hơn, hệ thống cột phân luồng vốn được thiết kế bằng nhựa dẻo, khi bị hư hỏng, đơn vị quản lý, khai thác, duy tu bảo đưởng đã cho thay nhiều lõi cọc nhựa bằng gỗ hoặc tre. Giải pháp “trời ơi” này là nguyên nhân dẫn đến thực trạng hàng loạt cột phân luồng bị gãy đổ hết sức nguy hiểm.
Một tài xế vừa chui qua hầm theo hướng Bắc Nam cho biết, hệ thống cột phân luồng nguy hiểm như thế này đã xảy ra cả mấy tháng nay. Không chấp nhận được một hầm đường bộ hiện đại lại có hệ thống cột phân luồng được chêm bằng cọc gỗ.

Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ - 5

Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ - 6
Cốt các cọc phân luồng bằng nhựa dẻo nay được thay thế bằng cốt tre, gỗ

Hệ thống đèn chiếu sáng trong hầm cũng là một điều đáng quan ngại. Phản ánh của giới tài xế thường xuyên qua hầm này là hàng loạt bóng đèn trong hầm không sáng. Khi được hỏi về nguyên nhân, một cán bộ bào vệ đang làm nhiệm vụ trong hầm Đèo Ngang cho biết nhiều đèn không được bật là để thực hiện chủ trương tiết kiệm điện của nhà nước (?).
Lời giải thích của cán bộ này có phần là vì theo thiết kế, hệ thống điện chiếu sáng, thông gió, thông tin, phòng chống cháy của hầm được hoạt động theo chế độ tự động hóa.

Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ - 7
Hệ thống đèn đường cái sáng cái tắt, được giới tài xế phản ánh là không đủ ánh sáng

Tuy nhiên, thực trạng đáng quan ngại nhất vào lúc này là ngay trong hầm đường bộ Đèo Ngang nước xuất hiện trên vỏ bê tông cốt thép và cả hành lang cho người đi bộ. Quan sát kỹ thì nước xuất hiện từ trong khớp đấu nối của vỏ bê tông và chảy ra ngoài.

Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ - 8

Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ - 9
Hầm đường bộ Đèo Ngang: Cột phân luồng “nhồi”... lõi gỗ - 10
Nước xuất hiện nhiều trong hầm Đèo Ngang

Khi thấy phóng viên ghi hình, một nhân viên khác làm nhiệm vụ tại cửa hầm (phía Bắc) đã nhanh chóng chạy tới phân bua: sở dĩ nước xuất hiện trong hầm là do tắc hệ thống khe thoát nước, và cho biết sẽ thông báo đơn vị cho khắc phục ngay trong thời gian tới.

Văn Dũng - Đặng Tài