Hầm đi bộ tiền tỉ “ế khách"
(Dân trí) - Hơn chục hầm đi bộ, giá đầu tư tính bằng tiền tỉ nhưng khi vận hành lại rất ít người qua lại. Một số hầm ở Ngã Tư Sở hay đường Phạm Hùng được người dân tận dụng làm “sân” tập thể dục, sàn nhảy híp hốp và nạn tiêm chích, trộm cắp hoành hành.
Vào đúng giờ cao điểm (17h ngày 28/3), có mặt tại hầm bộ hành Ngã Tư Sở, chúng tôi phải thừa nhận rằng hầm rất khang trang và sạch sẽ với hàng trăm ngọn đèn được bật sáng trưng. Tuy nhiên, quan sát chúng tôi thấy số người đi bộ và người đi xe đạp chui xuống hầm để qua đường rất ít.
Hệ thống đường với chi chít lối lên khiến một số người chót “lọt" xuống hầm rất khó khăn trong việc tìm đường “thoát hiểm”. Cũng do vắng người đi bộ nên hầm Ngã Tư Sở được người dân “tận dụng” thành sân nhảy hiphop, trẻ em chơi đùa và các cụ già tập thể dục.
Hầm đi bộ Ngã Tư Sở trở thành sàn nhảy híp hốp
“Chúng tôi ở quanh đây nên xuống tập thể dục, hầm đã sâu, đường lên xuống lại phức tạp nên rất ít người đi”, bà nguyễn Thị Hằng nhà ở đầu đường Trường Chinh nói. Theo bà Hằng, nếu người qua đường không cẩn thận rất dễ bị mất cắp và đây cũng là nơi lẩn trốn của các đối tượng cướp giật ở chợ Ngã Tư Sở.
Trong khi đó trên mặt hầm từng tốp người đi bộ, đi xe đạp vẫn băng qua đường để mặc miệng hầm “đói” người qua. Bất chấp sự nguy hiểm, nhiều người còn vác xe đạp vượt rào chắn, băng trước mũi xe máy, ô tô rất nguy hiểm. “Vác được xe xuống đường hầm quá vất vả em ạ! Chịu khó để ý xe cộ trước sau rồi băng qua đường nhanh và nhàn hơn xuống hầm rất nhiều”, một người đi xe đạp qua đường cho biết.
Có hầm dành cho người đi bộ nhưng họ vẫn thản nhiên cắt mũi xe trên mặt đường
Không giống như hầm đi bộ ở nút Ngã Tư Sở, hầm đường bộ Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến rất dễ sử dụng vì chạy thẳng sang hai bên vỉa hè. Tuy nhiên, theo chị Hà, người bán hàng nước trước cửa hầm thì lượng người qua lại bằng đường hầm này ít hơn người tự ý băng qua đường.
“Đường vành đai, xe cộ đông, tốc độ nhanh mà người đi bộ lại vẫn cố ý băng qua đường nên rất nguy hiểm. Đã có nhiều tai nạn trên đường này do người đi bộ gây ra”, chị Hà nói.
Một bảo vệ đường hầm còn cho biết, tình trạng trộm cắp dưới đường hầm đã từng xảy ra. “Chỉ vắng bảo vệ vài phút người qua đường cũng có thể bị giật đồ. Tệ hại hơn khi không trộm cắp được gì thì chúng dùng gạch, đá ném vỡ kính, mái che, đèn điện dưới hầm”, bảo vệ này cho biết những khó khăn của mình.
Theo ông Phạm Đình Tuấn, phó Giám đốc Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, giai đoạn đầu hầm đi bộ vắng người qua lại là chuyện thường thấy. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc này là do cơ sở hạ tầng khớp nối với hầm chưa đồng bộ.
Ông Tuấn cũng cho rằng, ý thức của người đi bộ hiện nay còn yếu kém nên mới dẫn đến tình trạng băng qua đường ngay trên mặt hầm. “Cũng phải nói đến chế tài và việc thực hiện xử phạt người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định chưa nghiêm mới dẫn đến tình trạng đó”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết, khi xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng như tầu điện, xe buýt, siêu thị, khu vui chơi khớp nối với hầm đi bộ và đồng thời hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường chế tài và biện pháp thực hiện xử phạt thì hầm đi bộ mới có thể “đắt khách”.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, một số chuyên gia về quản lý giao thông cho rằng, ý thức của người đi bộ chỉ là một vấn đề nhỏ mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng hầm đường bộ “ế khách” là do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và chế tài xử lý người đi bộ không đúng nơi quy định phải nghiêm hơn nữa thì mới phát huy hết giá trị hệ thống hầm đi bộ và cầu vượt mà Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng như hiện nay.
Quang Phong - Mai Châm