Hai số phận, một cảnh đời
Một cậu bé 9 tuổi không biết nói. Một người mẹ từng có tiền sử tâm thần. Hai số phận này lấy nghề bới rác kiếm sống qua ngày. Ở họ, tình mẫu tử mới thật sâu nặng, cảm động biết bao…
Cũng một kiếp người
Tới xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), không ai còn lạ với cảnh hai mẹ con ấy lang thang khắp các bãi rác. Đó là chị Nguyễn Thị Thu và con trai Đỗ Hồng Quân. Hỏi chuyện, chị Thu cho hay, chị vốn là thanh niên xung phong. Sau chiến tranh, không hiểu sao chị bị tâm thần, rồi phải nhập trại. Tại cái nơi ai cũng “hồn nhiên” vin cành hái búp ấy, chị tìm được tình yêu với người đồng cảnh.
Bệnh thuyên giảm, đôi tình nhân ra trại và quyết định gắn bó trọn đời với nhau và định cư trong căn nhà cấp 4 tồi tàn thôn Trung Tiến.
Năm 1993, sau ngày cưới được hơn 1 năm thì vợ chồng chị có đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Đỗ Viết Thăng. Gia cảnh nghèo, vợ chồng bệnh tật không làm gì ra của cải, nay lại có thêm đứa con khiến cho gia cảnh càng thêm túng bấn.
Khi Thăng học đến lớp 8 thì nghỉ học, đi làm làm được ít năm rồi bỏ đi biệt xứ. Năm 2003, đứa con trai thứ hai chào đời, được đặt tên Đỗ Hồng Quân.
Trớ trêu thay, Quân đã 9 tuổi mà không thể nói. Không có tiền nên hai vợ chồng chẳng dám đưa con đi khám.
Và rồi, căn bệnh ung thư dạ dày đã cướp đi tính mạng người chồng, người cha tội nghiệp ở đầu tháng 6 năm ngoái, để lại nỗi cùng cực trên đôi vai người vợ tâm thần. Hằng ngày, chị Thu lại lang thang khắp làng. Đi đâu chị cũng dắt theo đứa con út lếch thếch.
Đưa đôi bàn tay nhem nhuốc gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại, chị Thu sụt sùi: “Đời tôi khổ lắm, có gì vui đâu mà kể, kể rồi có thay đổi được gì?”.
Tình mẫu tử
Ngày nắng cũng như ngày mưa, hai mẹ con chị Thu vẫn rong ruổi khắp các bãi rác. Thương cảnh mẹ bệnh nuôi con tật nguyền, thỉnh thoảng người dân lại cho hai mẹ con dăm đồng
Nhìn Quân đứng cách đó không xa, đang với tay bới rác, tôi bỗng nghẹn giọng hỏi: “Sao chị không để cháu ở nhà mà để cháu ra bãi rác, mà quần áo của cháu đâu chị?”, chị Thu cúi mặt, giọng khản đặc: “Có hai mẹ con thì phải đi với nhau chứ. Nó còn sống với tôi ngày nào thì phải ở bên tôi ngày đó. Nhà cũng có đôi bộ, nhưng cháu không chịu mặc, tôi cũng không biết làm thế nào”.
Với số tiền ít ỏi kiếm được sau mỗi ngày cũng chẳng đủ tiền ăn cho hai mẹ con. Thằng bé ăn rất khỏe, nên có hôm chị Thu phải nhịn ăn để dồn lại cho con được một bữa no.
Chị kể: “Cũng may cháu nó chẳng mấy khi phải thuốc thang, hay đi bệnh viện nên cũng mừng”.
Theo chị Thu, dù câm, nhưng dường như bé Quân cảm nhận được mọi thứ, kể cả tình cảm mà mẹ dành cho nó. Nên những lúc chị nhường cơm, nó cứ nguây nguẩy chối từ, đùn đẩy lại cho mẹ. Và chính những tình cảm đó làm chị thấy an ủi phần nào.
Nhưng niềm vui chẳng tày gang, trong khi chứng bệnh tâm thần vẫn thi thoảng ám ảnh chị. Những lúc lên cơn, chị lại đi lang thang một mình, rồi chợt tỉnh và nhớ đến con, chị lại chạy thốc về ôm con khóc rưng rưng...
Nghe người đàn bà bệnh tật trải lòng, chúng tôi không cầm được nước mắt...