1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hai "sếp" trong vụ PMU18 sẽ phải chịu hình phạt nào?

(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều bạn đọc gửi thư, gọi điện về toà soạn hỏi về mức độ hình phạt mà những nhân vật chính trong vụ PMU18 sẽ phải chịu. Đây là câu hỏi rất khó trả lời, song chúng ta cũng có thể hình dung diễn biến vụ án qua một vài giả thuyết…

Luật sư Nguyễn Văn Luân - Chủ nhiệm Văn phòng Luật sư miền Bắc: Những tội danh đã nêu chưa đúng với bản chất sự việc

 

Cũng như nhiều người, tôi rất phẫn nộ về hành vi của những người đứng đầu PMU18. Họ cũng không hơn gì nhiều công chức khác mà sao lại có nhiều tiền đến thế. Hành vi của họ như báo chí phanh phui là không thể chấp nhận được. Nhưng để “định tội” thì phải có căn cứ pháp luật.

 

Đối với Bùi Tiến Dũng, hai tội danh bị đề nghị truy tố là “đánh bạc” và “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thì đã rõ nhưng với những tội danh này thì khung hình phạt cao nhất cũng chỉ 10 - 12 năm tù giam. Trong khi tội danh “đưa hối lộ” theo tôi là có dấu hiệu nhưng vẫn chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nếu dựa vào những tình tiết đã được báo chí xoáy sâu.

 

Đến nay, mới có việc ông ta cho người mời vài người khách một bữa ăn tại khách sạn. Kể cả việc phát hiện được Bùi Tiến Dũng đưa tiền cho Dũng “Huế” thì vấn đề cốt yếu phải xác định được là số tiền giao cho Dũng “Huế” để đưa cho ai. Phải chứng minh được mối quan hệ giữa hành vi đưa tiền với những thoả thuận lợi ích đi liền với nó...

 

Hình phạt của hai "sếp" trong vụ PMU18? Câu hỏi này chưa thể có câu trả lời chính xác vì nhiều lẽ. Thứ nhất, việc điều tra chưa kết thúc và chắc sẽ còn nhiều diễn biến mới. Thứ hai, việc xác định tội danh là của các cơ quan hành pháp trên cơ sở pháp luật. Thứ ba, khi chưa có phán quyết của toà án, các đối tượng trên dù bị tạm giam hay tại ngoại vẫn chưa phải là người có tội. Và thứ tư, những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng không thể là căn cứ để kết tội bị can...  

Đối với Nguyễn Việt Tiến, CQĐT có hướng đề nghị truy tố theo nhiều tội danh như: “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “cố ý làm trái”, “trốn thuế, làm thất thu thuế”. Nhưng hành vi “trốn thuế” thì không chứng minh được, vì cơ quan thuế có kêu mình bị thất thu thuế gì đâu? “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “cố ý làm trái” thì cùng lắm khung hình phạt chỉ 8 năm tù, không giải quyết được vấn đề gì.

 

Tôi cho rằng, tội của các “ông to” này lớn hơn nhiều. Vụ án xảy ra ở PMU18 và Bộ GTVT phải nói thẳng là do phương thức quản lý con người, quản lý kinh tế, quản lý vốn của ta là quá yếu kém. Cơ chế này đã giao những số tiền quá lớn vào tay một người, tạo cho họ thứ "quyền sinh, quyền sát", không ai điều chỉnh được nữa. Mỗi bộ mà có vài ban quản lý dự án như này thì dân thường còn gì để sống.

 

CQĐT nên đi vào hướng truy tìm nguồn gốc số tiền cá nhân khủng khiếp của Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến thì hiệu quả hơn là đi vào tội "đưa hối lộ". Một công chức làm việc bình thường không trúng xổ số, không được hưởng tài sản thừa kế có giá trị lớn của gia đình thì không đào đâu ra số tài sản lớn như thế.

 

Đi theo hướng này, phải khởi tố bị can với tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo điều 281 – Bộ LHS. Tội này theo quy định chiếm đoạt từ 300 triệu đồng trở lên đã có thể đến khung hình phạt chung thân hoặc tử hình.

 

Xét về mặt hậu quả, vụ án này còn nghiêm trọng hơn vụ án Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh nhiều. Những mất mát về tài sản, về lòng tin thật khủng khiếp, khó mà đo, tính được. Nhưng nếu chỉ với các tội danh trên thì hình phạt rất nhẹ!

 

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - Nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Cả hai tội danh đều quá nhẹ

 

 

Hai "sếp" trong vụ PMU18 sẽ phải chịu hình phạt nào? - 1
 

LS Nguyễn Trọng Tỵ

Tôi đọc và theo dõi chặt chẽ vụ án này nhưng đứng về khía cạnh luật học thì rất khó đoán định. Hành vi khách quan cụ thể của các bị can chưa được mô tả, chưa được thể hiện.

 

Với những tội danh đã đề nghị khởi tố, khó có thể nói CQĐT đúng hay không đúng. Vừa qua, Bùi Tiến Dũng bị khởi tố thêm tội "cố ý làm trái" thì cũng chưa chắc đã đúng vì nếu "cố ý làm trái" với động cơ vụ lợi thì không chỉ là "gây thiệt hại nghiêm trọng" mà đã là "cố ý chiếm đoạt tài sản". Và nếu thế thì phải quy vào tội "tham ô" mới đúng.

 

Còn Nguyễn Việt Tiến thì bị khởi tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tôi đặt câu hỏi, nếu xem xét tổng thể mối quan hệ giữa ông Tiến và ông Dũng thì liệu có phải là sự thông đồng với nhau để cùng thực hiện tội phạm hay không. Số tài sản cá nhân của các ông có chức có quyền này đều quá lớn. Vậy thì vấn đề là tiền ở đâu ra, có phải là do được hưởng phần chênh lệch trong từng dự án hay có thể là do được các cơ quan, đơn vị biếu xén. Ngay chi tiết này đã dẫn tới hai tội danh khác nhau rồi.

 

Đơn cử như việc ông Tiến "cố ý làm trái" trong việc cho các đơn vị, cá nhân "mượn" xe của dự án, nếu nhìn tổng thể thì có thể coi những chiếc xe đó là món quà để "lấy lòng", để đạt được lợi ích bất chính khác. Hành vi đó trở thành "đưa hối lộ". "Cố ý làm trái" khi cho mượn chiếc ôtô 500 triệu đồng thì có thể chỉ 3 năm tù. Còn nếu cũng chiếc ôtô đó mà xác định là quà cáp hối lộ thì ông này đã ở vào khung hình phạt cao nhất.

 

Như vậy, cả tội danh "cố ý làm trái" của ông Tiến và tội "thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" của ông Dũng đều rất "nhẹ nhàng".

 

P.Thảo