1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hai phụ nữ trưởng thành mang ngoại hình trẻ con

Dù đều đã bước qua tuổi đôi mươi song cô chị cũng hệt như cô em, chỉ cao chừng 1,25m, nặng khoảng 25-26 kg, trông như trẻ mới qua tuổi lên mười.

Bước vào phòng làm việc của chủ biên tạp chí Kiến thức ngày nay Hàn Tấn Quang, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy hai cô bé chừng 12-13 tuổi mặc áo dài chỉnh tề đang lúi húi trước hai chiếc máy vi tính. Thấy khách, hai cô bé đứng dậy rót nước, lễ phép mời.

 

Nghe chúng tôi thắc mắc, anh chánh văn phòng cười: “Không phải hai cháu bé đâu, cô chị Nguyễn Thanh Hằng nay đã 31 tuổi, cô em Nguyễn Thanh Hà 21 tuổi rồi đấy!”. Tôi nhìn hai “cô bé” kinh ngạc: Từ khuôn mặt đến vóc dáng của họ chẳng khác gì trẻ mới qua tuổi lên mười.

 

Chủ biên Hàn Tấn Quang cho biết đã nhận chị em Thanh Hằng về để đánh vi tính bản thảo của tạp chí, giúp họ có công ăn việc làm và có thời gian học thêm thanh nhạc. “Hằng và Hà đang theo học thanh nhạc do ca sĩ Thanh Trì ở đoàn Bông Sen hướng dẫn”- anh nói. Hàn Tấn Quang gọi hai cô đến giới thiệu với chúng tôi,  xong đề nghị họ hát một bài tặng khách.

 

Hai cô nhanh chóng hóa thân thành hai ca sĩ. Dáng điệu, nét mặt họ biến đổi theo nội dung bài hát qua giọng ca mượt mà, truyền cảm. Chúng tôi đắm mình trong tiếng hát thiết tha của hai cô gái, từ bài Viếng Lăng Bác đến Em bé Hà Nội...

 

Hỏi thêm chúng tôi mới biết Thanh Hằng khi còn học THCS đã đoạt giải nhì đơn ca cấp huyện và giải vở sạch - chữ đẹp. Vì hoàn cảnh gia đình, Thanh Hằng mới xong lớp 9 đã phải thôi học. Cô em Thanh Hà cũng chẳng chịu thua kém chị: Học lớp năm đoạt giải nhất đơn ca cấp huyện, lớp 11 giải khuyến khích. Thanh Hà may mắn hơn chị là có người đưa đón đến trường nên đã tốt nghiệp THPT.

 

Hai phụ nữ trưởng thành mang ngoại hình trẻ con - 1

Hai chị em Nguyễn Thanh Hằng (31 tuổi - trái), Nguyễn Thanh Hà (21 tuổi) chỉ cao 1,25m.

 

Hôm sau, chúng tôi tìm gặp ca sĩ Thanh Trì, cô giáo dạy thanh nhạc cho Hằng và Hà. Cô Thanh Trì đánh giá: “Tuy bị ảnh hưởng chất độc da cam nhưng rất may Hằng - Hà thông minh, lanh lẹ, có năng khiếu ca hát. Hai em có giọng nhẹ nhàng, thanh thoát và hát hay những bài dân ca”.

 

Chúng tôi rất vui mừng trước những nhận xét của Thanh Trì dành cho chị em Hằng - Hà, vì cô đã từng học thanh nhạc phương Tây, từng đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới và đã đào tạo nhiều học trò thành đạt.

 

Chị em Thanh Hằng cho biết họ rất thích dân ca Nam Bộ. Thanh Hằng hát cho tôi nghe những bài Lý con sáo, Lý cái mơn, Lý cây bông... mượt mà, ngọt ngào. Cao hứng, cô lại hát một đoạn cải lương. Ca sĩ Thanh Trì tiết lộ: “Tôi đang áp dụng một phương pháp mới để dạy Hằng - Hà. Hai em tiếp thu tốt và chắc chắn ngày càng phát triển”.

 

Hát cho người cùng cảnh ngộ

 

Thanh Hằng cho biết khi mới sinh ra, chị em cô vẫn bình thường như các bé khác. Mãi đến năm học cấp hai, bố mẹ Hằng mới nhận ra con mình không thể phát triển cơ thể được nữa. Đến giờ, cô chị cũng hệt như cô em, chỉ cao chừng 1,25 m, nặng khoảng 25-26 kg. Tuy nhiên, nhìn Hằng và Hà, nhiều người lại liên tưởng đến những cây bonsai: Dù nhỏ thó song đầy hồn tính và nhiều vẻ đẹp.

 

Ông Nguyễn Đức Dục, bố của Hằng - Hà, quê xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc, từng có mặt ở chiến trường miền Nam trong khoảng thời gian 1969-1975. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng cũng là lúc ông Dục cảm thấy cơ thể, sức vóc mình bỗng nhiên mệt mỏi, yếu ớt dần. Ông xin xuất ngũ, xây dựng gia đình với một thôn nữ khỏe mạnh. Có 3 mặt con và mãi đến khi họ lần lượt “không lớn được”, ông Dục mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam.

 

“Tính nết cũng như lời hát của Thanh Hà và Thanh Hằng đều dịu dàng, chân chất. “Ông trời” cũng công bằng, lấy đi của các em vóc dáng, sức lực nhưng bù lại đã cho họ  một giọng hát mượt mà, êm ái”. (Ca sĩ Minh Hoa)

Có một câu chuyện của Thanh Hà mà mỗi lần nhắc lại, chúng tôi không khỏi quặn lòng. Hồi còn đi học, Thanh Hà rất thích môn văn. Năm lớp 9, cô giáo cho học sinh bình giảng một bài thơ yêu thích bất kỳ. Hà chọn Nhớ rừng của Thế Lữ và làm bài đạt điểm cao. “Lúc ấy, cháu cũng không rõ vì sao mình chọn bài thơ đó, nhưng sau này, khi lần lượt tốt nghiệp THPT và vào đời lăn lộn kiếm sống, cháu nghĩ chắc đó là sự đồng cảm cho một thân phận.

 

Con hổ vốn là chúa sơn lâm, nếu không bị giam hãm trong cũi sắt thì nó mặc sức tung hoành với sức mạnh vô địch muôn loài. Cháu không được lớn lên bình thường như các bạn, cũng bị giam hãm trong cơ thể nhỏ xíu... Cháu nhớ rất rõ cảm giác những ngày đầu năm học: Sau một đợt nghỉ hè, bạn bè trong lớp lớn phổng lên, khỏe khoắn, vạm vỡ, trong khi cháu vẫn là cô bé tí ti lọt thỏm giữa đám bạn bè” - Thanh Hà tâm sự.

 

Không để chúng tôi buồn lây, Thanh Hà cười, bộc bạch: “Chị em cháu tuy có thiệt thòi nhưng nhiều người bị nhiễm chất độc da cam còn đau đớn, vật vã hơn”. Thanh Hằng khoe hồi ở quê, chị em cô đã biết giúp bố mẹ nhổ mạ, đi cấy... Sau này, hai chị em đi hát ở phòng trà, đám cưới... kiếm tiền giúp bố mẹ. “Chị em cháu đi hát không phải chỉ để kiếm tiền mà còn muốn cho mọi người vui. Tụi cháu muốn hát cho những ai có hoàn cảnh đau buồn, bị chất độc da cam ngày ngày nhức nhối vì bệnh tật. Chúng cháu muốn hát thật hay và hát cho những ai cùng cảnh ngộ”- Thanh Hằng quả quyết.

 

Trò chuyện với chúng tôi, Thanh Hằng và Thanh Hà không giấu được nỗi háo hức chờ đợi đến ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 sắp tới. “20 giờ 30 phút đêm đó, chị em cháu sẽ hát chung với ca sĩ Khánh Duy trong một chương trình Vì nạn nhân chất độc da cam và được HTV9 Đài Truyền hình TPHCM trực tiếp. Tụi cháu mong bố mẹ ở quê nhà cũng xem được” - Thanh Hằng thổ lộ.

 

Theo Lê Xuân Lít

 Người lao động