1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Yagi
  3. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ

Hải Phòng, Quảng Ninh bị "tê liệt" nhiều nơi do bão số 3

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Bão số 3 đổ bộ vào đất liền 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng từ 16h ngày 7/9. Tại 2 địa phương này đã có thiệt hại về người, tài sản và gây mất điện diện rộng, nhiều tuyến đường bị cấm đi lại.

Như đã đưa tin, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 16h ngày 7/9, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15.

Quảng Ninh mất điện diện rộng toàn tỉnh

Trước đó nhiều giờ, cơn bão này vào vùng biển các tỉnh ven biển khu vực Đông Bắc Bộ, trong đó trọng tâm là vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh. Tại thời điểm này, trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã có mưa to, gió lớn liên tục và kéo dài, gây thiệt hại nặng nề.

Hải Phòng, Quảng Ninh bị tê liệt nhiều nơi do bão số 3 - 1

TP Móng Cái và nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Ninh mất điện diện rộng (Ảnh: Nguyễn Dương).

Cụ thể, tại Quảng Ninh, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí có mặt tại khu vực TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và TP Móng Cái, từ đầu giờ sáng 7/9 đã có mưa rất to, gió lớn, hàng loạt cây xanh ven đường bị gãy đổ, các tấm tôn bị thổi bay xuống đường.

Ngoài ra, nhiều hạng mục kết cấu các công trình xây dựng như nhà ở đơn lẻ, chung cư, khách sạn, cửa hàng kinh doanh,.. cũng bị hư hỏng do gió bão.

Đặc biệt, tại địa bàn TP Cẩm Phả, dọc theo quốc lộ 18 đã có nhiều cột điện bị gió bão quật đổ, gây "tê liệt" giao thông nhiều đoạn trên quốc lộ này.

Cũng liên quan đến giao thông, tỉnh Quảng Ninh đã cấm xe máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Bãi Cháy và cầu Vân Đồn.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN Việt Nam), bão đã gây sự cố cho 76 đường dây trung áp và làm gián đoạn cung cấp điện cho hơn 238.000 khách hàng trên địa bàn Quảng Ninh. Các khu vực bị ảnh hưởng về điện lưới ở tỉnh này chủ yếu ở Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô, Hạ Long, Quảng Yên.

Hải Phòng, Quảng Ninh bị tê liệt nhiều nơi do bão số 3 - 2

Hàng loạt cột điện trên đường Hoàng Quốc Việt và phố Thái Bình, TP Cẩm Phả - Quảng Ninh bị gãy đổ (Ảnh: Hữu Khoa).

Ngoài mất điện lưới diện rộng, tại nhiều địa bàn ở Quảng Ninh sóng internet 4G cũng bị ảnh hưởng, phần lớn là mất hẳn, còn lại chập chờn.

Nhiều địa bàn kinh doanh du lịch ở vùng đất mỏ này như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, các khách sạn gần như đều từ chối nhận khách và chằng buộc cửa cẩn thận.

Còn theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh, tính đến 16h ngày 7/9, bão số 3 đã làm 3 người chết, 4 người bị thương, 6 người và 1 tàu bị mất tích, 1 cần cẩu bị đổ, 14 tàu bị đắm.

Ngoài ra, tại địa phương này, bão đã làm hàng trăm nhà dân bị tốc mái, hàng nghìn cây xanh, cột điện, biển báo bị gãy đổ. 

"Tính đến 16h ngày 7/9, đã xảy ra mất điện diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh, vì vậy hệ thống thông tin liên lạc đang bị gián đoạn. Công ty Điện lực Quảng Ninh đang tiến hành thống kê thiệt hại, khắc phục sự cố", theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh.

Hải Phòng ngập lụt cục bộ 

Cũng giống như Quảng Ninh, tại địa bàn TP Hải Phòng, đặc biệt là các huyện đảo như Bạch Long Vĩ, Cát Hải và địa phương ven biển như quận Đồ Sơn, từ đêm 6/9 đến gần hết ngày 7/9 đã có mưa rất to và gió lớn.

Tại các địa phương trên của TP Hải Phòng, nhiều công trình xây dựng nhà ở, trụ sở cơ quan, đơn vị đã bị thiệt hại do bão. Ngoài ra đã xảy ra ngập úng cục bộ, cây xanh gãy đổ hàng loạt tại nhiều địa phương trên TP Hải Phòng.

Hải Phòng, Quảng Ninh bị tê liệt nhiều nơi do bão số 3 - 3

Ngập lụt xảy ra trên địa bàn quận Đồ Sơn vào ngày 7/9 (Ảnh: Thu Hồng).

Ngày 7/9, đại diện Sở GTVT TP Hải Phòng cho biết, do ảnh hưởng bão số 3, đơn vị đã đề nghị các cơ quan, đơn vị rào chắn cấm phương tiện tham gia giao thông qua cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ.

Sở GTVT Hải Phòng cũng đề nghị Khu Quản lý đường bộ I chỉ đạo tổ chức quản lý, theo dõi diễn biến bão, cấm phương tiện qua cầu Kiền, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện và bố trí lực lượng tổ chức điều tiết đảm bảo giao thông.

Đơn vị cũng đề nghị Công an TP Hải Phòng bố trí lực lượng phối hợp cùng Thanh tra giao thông thành phố điều tiết giao thông khi cấm phương tiện qua cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Kiền, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Bến Rừng để đảm bảo an toàn.

Theo thông tin từ UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng), từ 10h30 ngày 7/9, địa phương đã phối hợp với liên ngành tổ chức rào chắn, cấm phương tiện qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện.  

Cũng trong ngày 7/9, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng đã gửi công văn tới các đơn vị thuộc TP Hải Phòng về việc cấm các phương tiện giao thông qua cầu Bạch Đằng theo phương án tổ chức giao thông được Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh kiến nghị.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Hải Phòng, tính đến 18h30 cùng ngày, trên địa bàn thành phố có 13 người bị thương tại gia đình do vỡ kính, đã được sơ cứu ở Trung tâm Y tế huyện.

Hải Phòng, Quảng Ninh bị tê liệt nhiều nơi do bão số 3 - 4

Hàng loạt cây xanh ở TP Hải Phòng bị gãy đổ (Ảnh: Thu Hồng).

Cũng theo báo cáo, do bão đổ bộ vào Hải Phòng ở thời điểm triều kiệt, mực nước khu vực ven biển và trong cửa sông thấp, các công trình đề điều, công trình thủy lợi chưa phát sinh sự cố.

"Nhiều nơi trên địa bàn TP Hải Phòng bị cắt điện; nhiều nhà dân, trụ sở một số cơ quan, đơn vị, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị tốc mái và cột điện hạ thế bị gãy đổ", theo báo cáo.

Còn theo phản ánh của nhiều người dân ở TP Hải Phòng, địa phương này đang xảy ra mất điện lưới diện rộng, sóng điện thoại bị ảnh hưởng nên không thể liên lạc được.

Theo EVN Việt Nam, TP Hải Phòng, mưa to và gió cấp 15 đã gây sự cố mất điện 6 đường dây 110kV gây mất điện toàn bộ ở Cát Hải và trên 50 đường dây trung thế, có khoảng hơn 300.000 khách hàng bị ảnh hưởng.

Bão số 3 sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh lúc 16h ngày 7/9, đã tiếp tục đi sâu vào đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp, vùng áp thấp và tan.

Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn diện rộng cho nhiều tỉnh tại khu vực trên. Do đó, các địa phương này cần đề phòng ngập úng, sạt lở đất và lũ quét.