Hai ông cụ 70 tuổi cần mẫn giữ bình yên một cung đường
(Dân trí) - Trạm gác chắn số 2 Liên Chiểu chỉ là một cái chòi nhỏ. Ở đó từ 4 năm nay, dù ngày mưa hay ngày nắng, luôn có hai cụ ông tuổi đã ngoài 70, tình nguyện đứng gác giờ tàu chạy để đóng cửa gác chắn, bảo vệ bình yên cho một cung đường.
Ông Nguyễn Văn Ca trong giờ làm việc
Ám ảnh về con đường “tử thần”
Từ lâu, nút giao cắt đường bộ và đường sắt phía nam Cầu Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam) đã được coi là một cung đường tử thần với nhiều vụ tai nạn thảm khốc, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Nguyên nhân xảy ra tai nạn thì ai cũng biết: Đoạn đường này là nút giao cắt giữa quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc – Nam, hằng ngày có lượng người qua lại rất đông, nhưng lại không có barie chắn. Khoảng cách giữa mép quốc lộ và đường sắt chỉ là 2 mét. Hơn nữa, đoạn đường này khá dốc và bị khuất tầm nhìn do có nhiều chướng ngại vật nên càng nguy hiểm.
Nghĩ là làm, đầu năm 2008, hai ông Nguyễn Văn Ca và Nguyễn Văn Đại đã xung phong làm “nhân viên đường sắt” của Ban An toàn giao thông quận Liên Chiểu. Hai cụ tự mình xây dựng một trạm gác chắn ngay trên điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. “Nói là trạm gác chắn cho “oai” thôi, chứ thời điểm đó, chúng tôi tự chặt 2 thân tre dài làm barie, rồi kiếm một cái ghế ngồi, một chiếc đèn bão để làm việc lúc ban đêm, chứ đâu thể so sánh với những trạm gác chắn hiện đại của đường sắt”- ông Đại kể.
Cống hiến thầm lặng
Công việc của 2 ông bắt đầu từ 5h sáng đến 19h đêm. Ca làm việc buổi sáng do ông Ca đảm nhận, còn ca làm việc chiều do ông Đại đảm nhận. Hai ông cứ thay phiên nhau trực ở đây, đều đặn không nghỉ, kể cả ngày lễ tết. “Ngày mô chẳng có xe, ngày mô chẳng có người qua lại hả chú! Rứa thì làm răng mà nghỉ ở nhà được”.
Gọi là trạm gác chắn nhưng thực chất đó là một ki ốt nhỏ bằng tôn, mùa đông thì lạnh mà mùa hè thì nóng. Lòng ki ốt chỉ đủ kê một chiếc bàn nhỏ, trên tường có một chiếc đồng hồ để canh giờ tàu chạy, một cuốn lịch và một cây đèn bão. Ngoài ra không có máy móc gì của ngày đường sắt. Tất cả chỉ phụ thuộc vào con người. “Mỗi lần đi xin lịch chạy tàu để đóng mở barie là một lần khó do quãng đường xa và bị làm khó dễ. Nên tui ra đứng ngoài, nghe ngóng tiếng tàu, khi biết tàu sắp đến là tui lập tức đóng gác chắn. Riết thành quen, nên bây giờ tui có thể biết rõ khoảng thời gian tàu chạy”- ông Đại cho biết.
Công việc của hai ông đòi hỏi sự tập trung cao độ. Đứng giữa trời, nghe tiếng còi xe, hít phải khói bụi, lắm lúc có cảm giác đau đầu, chóng mặt nhưng vẫn phải làm việc. Hỏi hai ông sao vào ki ốt nghỉ ngơi, hai ông trầm ngâm: “Vào ki- ốt thì làm sao nghe thấy tiếng tàu? Nếu tàu kéo coi thì mình có thể nghe mà chạy ra được, còn rủi nó không kéo còi thì có phải là nguy hiểm cho người qua đường rồi không!”.
Với 2 ông, sự khắc nghiệt của thời tiết không thể làm hai ông nhụt chí. Trời nắng to hai ông đội mũ nhựa, mặc áo dài tay, đeo khẩu trang để chống khói bụi, nắng nóng. Trời mưa hai ông mặc áo mưa, chân đi ủng. Cứ như vậy cần mẫn gác chắn tàu.
“Nếu sau này tui có đau ốm bệnh tật gì, tui sẽ bảo đứa con trai tui ra làm. Đoạn đường này không thể không có người bảo vệ. Mất đi người coi giữ sẽ xảy ra tai nạn ngay” - ông Ca cho biết.
Vất vả là thế, mệt nhọc là thế, nhưng đối với hai ông, mỗi ngày đoạn đường này được bình an là một ngày vui…
Hà Thế An