Hai người tự tử, làng nghề “chới với” vì chuyện vay nặng lãi

(Dân trí) - Hàng loạt hộ dân làng nghề truyền thống đan lát giỏ tre ở xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vừa “kêu cứu”, tố đôi vợ chồng ở cùng địa phương nhận cả chục ngàn giỏ tre gia công, đem bán lấy tiền rồi bỏ đi khỏi địa phương.

Làng nghề “chới với” vì chuyện vay nặng lãi.

 

Theo đó, người dân xã Cam Hiệp Nam tố ông Phạm Minh Tâm (SN 1972) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Minh (SN 1975) nhận cả chục ngàn giỏ tre của họ để gia công thêm quai rồi đem bán, ôm tiền đi khỏi địa phương.

Từ chuyện vợ chồng trẻ tự vẫn…

Theo người dân địa phương, vào ngày 26/10/2015, anh Võ Văn H. (SN 1984) cùng vợ là chị Huỳnh Thị B.T. (SN 1989, trú thôn Trung Hiệp 1, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm) đến nhà vợ chồng ông Tâm ở xã Cam Hiệp Nam để đòi nợ. Do việc đòi nợ bất thành, vợ chồng anh H. đã uất ức uống thuốc diệt cỏ tự vẫn.

Ông Võ Văn Úc (SN 1953), cha của anh H., cho hay, quanh năm ông cặm cụi với đồng ruộng nên chuyện làm ăn, nợ nần của con cái ông không rõ. Sau sự việc đau lòng, ông Úc tìm hiểu thì được biết vợ chồng anh H. có cho ông Tâm vay tiền nhưng không đòi được.

Từ ngày bố mẹ mất, 2 con của anh H. vẫn tưởng bố mẹ đi làm ăn xa. “Nghe nói ba má đi làm ăn xa mà sao chưa về hả ông nội”, ông Úc nghẹn ngào nhắc lại lời cháu nhỏ.

 

Ông Võ Văn Úc bàng hoàng sau vụ tự vẫn của 2 con mình
Ông Võ Văn Úc bàng hoàng sau vụ tự vẫn của 2 con mình

 

Ông Huỳnh Tấn Thành, Phó Chủ tịch xã Cam Hiệp Bắc, xác nhận, việc vợ chồng anh H. tự vẫn có liên quan đến việc vợ chồng này đi vay tiền rồi lại cho người khác vay lại, kiếm lời chênh lệch.

Còn theo UBND xã Cam Hiệp Nam, vợ chồng anh H. cho vợ chồng ông Tâm vay lại với mức lãi cao hơn. Số tiền nợ nần của các bên đang được làm rõ.

Chủ tịch xã Cam Hiệp Bắc - bà Nguyễn Thị Thãi thừa nhận, thời gian qua, trên địa bàn có xuất hiện tình trạng cho vay nặng lãi nhưng bà không nắm được chính xác là ai vay. “Qua sự việc này, tôi khuyến cáo người dân là đừng có ham cho vay nặng lãi, đừng ham cái lợi trước mắt mà dẫn đến những hậu quả đau lòng”, bà Thãi nhấn mạnh.

 

Hàng loạt hộ dân đan lát giỏ tre ở xã Cam Hiệp Nam điêu đứng
Hàng loạt hộ dân đan lát giỏ tre ở xã Cam Hiệp Nam điêu đứng

 

… đến chuyện làng nghề “chới với”

Theo UBND xã Cam Hiệp Nam, làng nghề đan lát giỏ tre ở địa phương đã có 20 năm nay và hiện có khoảng 1.000 người làm nghề này. Một giỏ tre thành phẩm (dùng để đựng cá) có giá dao động 30.000 - 33.000 đồng. Với cả chục ngàn giỏ tre thành phẩm, số tiền tương đương hàng trăm triệu đồng.

Sau sự việc vợ chồng anh H. uống thuốc cỏ tự vẫn tại nhà ông Tâm, hàng loạt hộ dân làm nghề đan giỏ tre đã làm đơn “kêu cứu”. Những hộ dân này tố vợ chồng ông Tâm đã nhận của họ giỏ “trụi” (chưa có quai, chưa có đế) để làm quai rồi đem bán luôn, không trả lại tiền khiến họ điêu đứng.

Bà Lê Thị Thiện (thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam) cho biết, bà thuê vợ chồng ông Tâm làm quai cho hơn 10.000 giỏ “trụi”. “Cả 3 mẹ con tôi làm được từng ấy giỏ và thuê vợ chồng ông Tâm làm quai, chưa kịp đi lấy thì vợ chồng ông Tâm đem bán. Hiện gia đình tôi trắng tay và đang nợ ngân hàng 150 triệu đồng”, bà Thiện than. Theo bà Thiện, với số giỏ nói trên, số tiền tương đương là hơn 300 triệu đồng.

Một số hộ dân khác ở xã Cam Hiệp Nam cũng tố vợ chồng ông Tâm nhận của họ cả nghìn giỏ để làm quai rồi đem bán mất.

Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 9/12, ông Đỗ Minh Thạnh, Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam, cho biết, vợ chồng ông Tâm làm nghề nhận giỏ của người dân để làm quai lấy tiền công hoặc mua giỏ rồi bán lại kiếm lời. Theo lời ông Thạnh, có người dân làm giỏ xong đem bán nhưng chưa lấy tiền, nhưng cũng có trường hợp vợ chồng ông Tâm “bán xong không đưa tiền”.

Ngoài ra, ông Thạnh cũng khẳng định ông Tâm có vay mượn tiền của nhiều người khác. “Vợ chồng ông Tâm đã đi khỏi địa phương gần 2 tháng nay. Sau vụ việc, chúng tôi cử công an xã bảo vệ 2 đứa con và nhà cửa của họ để đề phòng những trường hợp xấu xảy ra”, ông Thạnh cho biết.

Theo ông Thạnh, do vụ việc vượt quá thẩm quyền nên đã giao toàn bộ hồ sơ cho công an huyện đề nghị điều tra làm rõ.

Chiều ngày 9/12, trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Việt Tuấn, Trưởng công an huyện Cam Lâm, cho biết, đơn vị đã nhận được một số đơn tố cáo hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” của vợ chồng ông Tâm.

Theo Đại tá Tuấn, hiện vụ việc đang được công an huyện giao cho Đội điều tra xác minh, làm rõ từ nhiều phía. “Trường hợp vợ chồng ông Tâm không hợp tác, căn cứ vào quá trình xác minh nếu thấy có dấu hiệu phạm tội thì xử lý theo quy định của pháp luật”, Đại tá Tuấn nhấn mạnh.

Viết Hảo