Hai ngôi chùa cung nghinh xá lợi Phật lập kỷ lục mới
(Dân trí) - Sau đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật, hai ngôi chùa Quán Sứ và Bái Đính đã xác lập thêm những kỷ lục cho riêng mình. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá về sự thành công của sự kiện này sáng nay, 15/6.
Kỷ lục của những kỷ lục được xác lập
Sự kiện cung nghinh ngọc xá lợi Phật từ chùa Giác Quang (TPHCM) ra miền Bắc được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chuẩn bị rất hoành tráng và kỹ lưỡng. Hôm nay 15/6, GHPGVN đã có đánh giá về sự thành công của sự kiện này.
Theo đó, lễ rước xá lợi lớn nhất được gói gọn trong thời gian 10 giờ đồng hồ (bắt đầu từ 6h sáng đến 4h chiều ngày 6/6/2009) từ TPHCM ra đến chùa Quán Sứ ở Hà Nội, sau đó đến chùa Bái Đính tại Ninh Bình, bao gồm cả các nghi lễ cung nghinh quan trọng của Phật giáo. Số lượng người đón rước cũng nhiều nhất (200 người) bay trên cùng một chuyên cơ. Đây cũng là lần đầu tiên GHPGVN đã phải thuê riêng một chuyên cơ để cung nghinh xá lợi nhà Phật.
Một điều ít người biết là chùa Quán Sứ năm 1987 đã từng nghinh rước ngọc xá lợi Phật về cung thờ cho đến bây giờ. Vào năm đó, số xá lợi nhà Phật đã được GHPGVN cung thỉnh từ Ấn Độ nhân dịp đại hội kỳ 2 của GHPGVN được tổ chức tại chùa Quán Sứ. Số xá lợi này chỉ một lần duy nhất được trưng bày phục vụ cho quan khách tham dự đại hội năm đó chiêm bái rồi an vị thờ vĩnh viễn tại gian chính điện chùa Quán Sứ cho đến bây giờ.
Đại đức Thích Minh Tiến - Ủy viên thư ký, Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết: Số lượng gần 10.000 người tham dự buổi lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật tại chùa Quán Sứ là số người đông nhất từ trước đến nay tại ngôi chùa này. Đây cũng được xem là một kỷ lục bởi du khách và bà con phật tử chen nhau cung nghinh và chiêm bái ngọc xá lợi Phật đứng tràn đầy phố Quán Sứ, sang cả đường Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt.
Trong khi đó, với việc cùng đón nhận kỷ lục đại lễ cung nghinh lớn nhất cùng chùa Giác Quang, chùa Quán Sứ (chứng nhận của trung tâm sách kỷ lục Việt Nam), chùa Bái Đính, ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, đã ghi thêm kỷ lục thứ 6. 5 kỷ lục được công nhận trước đó là: Pho tượng Đức Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam; Bộ tượng Tam Thế Phật bằng đồng lớn nhất Việt Nam; Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam; Giếng nước lớn nhất Việt Nam; Lễ trồng cây Bồ Đề lớn nhất Việt Nam.
Những điều chưa biết về hai ngôi chùa cổ
Trụ trì cả hai ngôi chùa Quán Sứ và Bái Đính hiện nay là Hòa thượng Viên trụ Thích Thanh Tứ. Chùa Quán Sứ là một ngôi chùa cổ, là trụ sở chính thức của GHPGVN từ năm 1981. Trụ trì nhà chùa đã hé lộ, trải qua bao biến cố của lịch sử, ngôi chùa cổ Quán Sứ vẫn nguyên vẹn từ thuở sơ khai.
Vào đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369), triều đình lập ra một khu nhà để đón tiếp sứ thần các nước như Chiêm Thành, Vạn Tượng, Nam Chương... và gọi là Quán Sứ. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15), chùa này được mang tên Quán Sứ. Hiện chùa ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Kiến trúc theo hình chữ Công, các lầu chính phụ đều có tam quan và 3 tầng mái, chùa Quán Sứ là ngôi chùa 2 tầng cao nhất và to nhất của miền Bắc. Điểm đặc biệt là tên chùa cũng như tất cả các câu đối trong chùa đều được ghi bằng chữ Quốc ngữ. Phía ngoài tam quan, cửa bên phải và bên trái có đắp nổi hai chữ "Cửa Pháp - Nhà Tăng", ngụ ý nói đến sự quy y của nhà Phật, quy y Pháp và quy y tăng.
Trong chùa các pho tượng Phật lớn được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Trong chính điện nổi bật 3 ngôi Tam thế và Tòa Cửu Long với chín con rồng đang phun nước tắm cho Thích Ca sơ sinh. Sau chính điện có giảng đường dùng làm nơi giảng bài cho học viên Học viện Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là nơi các tín đồ phật tử được nghe chú tăng, giảng pháp vào chủ nhật hàng tuần. Tầng trên là Nhà thờ Tổ, thờ các vị từng là sư trụ trì của chùa đã viên tịch.
Tính đến tháng 6 năm 2009, chùa Quán Sứ đã tiếp đón hàng triệu lượt du khách, nhân dân và rất nhiều quan khách quốc tế cũng như lãnh đạo của nhà nước đến tham quan và làm việc. Các ngày lễ tết, ngày rằm, nhà chùa tổ chức các lễ cầu siêu quốc thái dân an, đại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên cả nước… Hiện nhà chùa dành hẳn một gian phía bên phải gian chính điện để thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập nước nhà.
Về ngôi chùa Bái Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình: Chùa Bái Đính cũ tương truyền được dựng vào thời Lý. Một số tài liệu ngày nay cho biết Thiền sư Nguyễn Minh Không khi vào núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện động Tối, động Sáng là những hang động đẹp nên đã dựng chùa tại đây. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1997.
Chùa Bái Đình mới được đầu tư xây dựng với nhiều hạng mục lớn dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Chùa được xây dựng mô phỏng lại ngôi chùa Bái Đính cổ với quy mô rất lớn và được xem là ngôi chùa lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Chùa có khuôn viên trải rộng với những pho tượng Phật bằng đồng to và nặng nhất Việt Nam. Hiện chùa đang trong quá trình hoàn thiện việc đặt hơn 3.000 pho tượng Phật bằng đồng nhỏ tại các tháp nhỏ ở 2 gian chính điện và gian Tam Bảo.
Ông Nguyễn Văn Công - người phụ trách quản lý tại chùa Bái Đính - cho biết: Theo đề nghị của Tỉnh hội Phật giáo Ninh Bình và nhân dân khu vực, BTC đã để bà con phật tử được chiêm bái ngọc xá lợi đến hết ngày hôm nay, 15/6.
Theo ông Công, lượng người đến chùa chiêm bái ngọc xá lợi Phật đã lên tới khoảng 100.000 lượt người. Tại chùa Quán Sứ, Ban tổ chức cho biết do có quá đông du khách phật tử tới chiêm bái, có thể nguy hại đến xá lợi Phật nên nhà chùa đã phải cho đóng một bảo tháp bền vững để bảo vệ xá lợi. Việc chiêm bái của phật tử tại đây sẽ được tiếp tục khi bảo tháp hoàn thiện. BTC cũng cho biết con số hơn 30.000 lượt người đến chùa trong dịp cung nghinh xá lợi Phật, tính đến sáng nay. |
Quốc Đô