1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hai mặt của những chỉ số kinh tế ấn tượng 2007

Năm 2007 được coi là năm của những chỉ số kinh tế đầy ấn tượng như tăng trưởng GDP đạt xấp xỉ 8,5% hay thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 835 USD/người/năm; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt mức cao kỉ lục 20,3 tỉ USD...

Tuy nhiên, những con số này, dù ấn tượng đến mấy, cũng chỉ là những chữ số được ghép lại với nhau. Quan trọng hơn cả là chúng có tác động như thế nào đến đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Xe hơi giờ không còn là thứ phương tiện xa xỉ với nhiều người thành phố, tại những trung tâm mua sắm, siêu thị lớn đông nghẹt người. Tốc độ tăng trưởng GDP cao 8,5% năm 2007 phần nào được thể hiện qua sức mua ngày Tết ở những siêu thị lớn này.

Nhưng chợ cóc, chợ truyền thống mới là nơi sắm tết của đa số người dân, kể cả dân thành phố. So với một năm trước, thì mớ rau, cân thịt... trong chợ đều đã tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi. Lương tăng, thu nhập tăng nhưng tốc độ trượt giá hơn chục phần trăm trong năm 2007 đã làm cho sự tăng thu nhập đó giảm ít nhiều giá trị.

Đồng lương đã khá hơn nhưng nói về kinh tế thì nó cũng cao hơn nhiều. Mức lương năm 2007 thấp hơn nhưng với mặt bằng kinh tế cũ thì có lẽ nó còn hay hơn năm nay.

Trong những ngày giáp tết, sân golf Chí Linh vẫn đông khách. Gậy golf và sân golf giờ đã quen thuộc hơn cày cuốc và đồng ruộng với những nhân viên sân golf, dù họ xuất phát từ nhà nông. Sân golf mọc lên, ruộng hết, nhưng đó lại là cơ hội tốt để hàng trăm dân địa phương chuyển đổi nghề nghiệp với thu nhập mỗi tháng bằng cả năm làm nông.

Chị Nguyễn Hải Hạt, nhân viên sân golf Chí Linh, Hải Dương cho biết: "Trung bình một tháng từ 2 triệu trở lên đến 4 triệu. So với nhà nông cao hơn rất là nhiều. Chưa bao giờ nhà nông có thể nghĩ tới một mức thu nhập cao như thế".

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI năm 2007 đạt mức cao kỉ lục 20,3 tỉ USD là niềm hy vọng để có thêm nhiều dự án sân golf, khu công nghiệp, nhà máy, tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Nhưng giữa hy vọng và thực tế là một khoảng cách.

Xây nhà trọ cho công nhân thuê là nghề "phát" nhất của thôn Tứ Thông sau khi nhường hết đất nông nghiệp cho khu công nghiệp Đại An. Nhưng đại bộ phận người dân lại không thể có việc trong khu công nghiệp vì không trong "độ tuổi lí tưởng để làm công nhân". Ngày giáp tết, thôn vẫn vắng bóng người đi làm xa.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng thôn Tứ Thông, xã Tứ Minh, thị xã Hải Dương, Hải Dương cho biết: "Lứa tuổi 30 - 50 chiếm khoảng 40% dân số trong thôn. Họ không vào Đại An được vì không có tay nghề, mà Đại An người ta cũng không tuyển lứa tuổi như thế. Người ta cũng không đào tạo, mà không đào tạo thì sao mà vào được".

Đất rào bỏ không, đất công nghiệp chưa triển khai hạ tầng, vẫn còn nhiều khu đất được thu hồi cho các dự án FDI đang để không. Trong 20,3 tỉ USD vốn FDI đăng kí năm 2007, mới chỉ có chưa đầy 1/3 được đưa vào thực hiện. Giải ngân chậm, nhà máy chưa mọc lên, tức là cơ hội việc làm vẫn chưa thể có.

Những chục tỉ USD FDI hay tốc độ tăng trưởng 8-9% mỗi năm là những con số tăng trưởng kinh tế cực kì ấn tượng và đang góp phần làm cho đời sống người dân được cải thiện ít nhiều.

Nhưng sẽ còn ấn tượng hơn nếu tăng trưởng kinh tế cao đi kèm với một tỉ lệ lạm phát hợp lí, nếu FDI được giải ngân cao hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn.

Đó cũng là bài toán mà chính phủ đã đặt ra và tập trung quyết liệt trong năm 2008 với một quyết tâm biến những chỉ số tăng trưởng kinh tế ấn tượng thành những tăng trưởng cụ thể trong đời sống của người dân.

Theo Trường Sơn
VTV
.vn