1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010

Bài viết là ý kiến của ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, về kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010 tại hội thảo “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm” diễn ra ngày 28/8.

Hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010 - 1
Nhiều doanh nghiệp mong muốn được kéo dài gói kích cầu (ảnh: VietNamnet).
 
Trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào suy thoái, hàng loạt quốc gia tiến hành thực hiện những gói kích cầu nhiều nghìn tỷ USD. Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Chính phủ lựa chọn giải pháp hỗ trợ lãi suất mà không chọn giải pháp như gói kích thích kinh tế các nước? Và không chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn hỗ trợ cho cả hộ sản xuất?

Theo lý thuyết kinh tế vĩ mô và kinh nghiệm kích thích kinh tế của các nước, để chống suy giảm kinh tế, chính sách tài khoá đóng vai trò cơ bản, còn chính sách tiền tệ là hỗ trợ.

Tuy nhiên, việc sử dụng các gói kích thích kinh tế  ở các nước cũng khác biệt nhau, tuỳ thuộc vào khả năng của ngân sách nhà nước, tình trạng khủng hoảng tài chính và mục tiêu kinh tế vĩ  mô của mỗi nước.

Gói kích thích kinh tế của Anh tương ứng 5% GDP, Mỹ (30%), Trung Quốc (30%), Pháp (14%), Thụy Điển (1,5%), Nga (16,3%), Thổ Nhĩ Kỳ (3,9%), Ấn Độ (0,8%), Malaysia (1,2%), Kazăcxtan (14,3%)...

Khi nghiên cứu thực hiện gói kích thích kinh tế 17.000 tỷ đồng, có nhiều phương án được đặt ra: thứ nhất, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả vốn lưu động và đầu tư tài sản cố định.

Thứ hai, sử dụng để đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quy mô lớn như đường cao tốc, quốc lộ, sân bay, cảng biển.

Thứ ba, xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội, các khu ký túc xá sinh viên; nhà ở cho người nghèo, lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cấp bù lãi suất tín dụng đầu tư phát triển nhà nước và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quá trình thảo luận giữa các cơ quan hữu quan cho thấy, nếu sử dụng 17.000 tỷ đồng cho quá nhiều đối tượng sẽ làm phân tán nguồn lực, không tạo nên tính đột phá và việc giải ngân chậm nguồn vốn kích cầu còn làm xấu hơn tình hình kinh tế - xã hội.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phương án tối ưu là sử dụng toàn bộ 17.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho khoản vay ngân hàng bằng VND của doanh nghiệp, hộ sản xuất (dự kiến lan tỏa dư nợ khoảng 630.000 tỷ đồng) bắt đầu thực hiện từ tháng 2/2009, đối với hầu hết các ngành, lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế.

Lãi suất tiền vay sau khi được hỗ trợ còn khoảng từ 4 - 6%/năm, tương đương với lãi suất tiền vay bằng đồng bản tệ ở nhiều nước (Thái Lan 7%/năm, Malaysia 6,5%/năm, Mỹ 6%/năm, Trung Quốc 7%/năm).

Việc thực hiện hỗ trợ lãi suất đã tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại không hạ lãi suất cho vay, kết hợp không hạ thấp tiêu chí cho vay, không tăng lãi suất huy động mà vẫn tiếp tục huy động vốn từ thị trường để cho vay. Thực tế cho thấy quyết sách của Chính phủ là đúng đắn.

Tuy nhiên, theo lý thuyết kinh tế vĩ mô, việc thực thi chính sách tiền tệ “nới lỏng” để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nếu sử dụng dài hạn thì không làm tăng trưởng kinh tế mà tác động làm tăng lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn hơn sản lượng tiềm năng, nói cách khác lớn hơn mức tăng sản lượng mà nền kinh tế sử dụng tối đa các nguồn lực, sẽ dẫn đến lạm phát cao, ngược lại thì lạm phát thấp.

Bảy tháng đầu năm 2009, kinh tế nước ta dần lấy lại được đà tăng trưởng khi 6 tháng GDP tăng 3,9%, tháng 7, sản xuất nông nghiệp - công nghiệp và dịch vụ tiếp tục gia tăng, lạm phát là 3,22%.

Trong những tháng cuối năm, mặc dù gặp nhiều khó  khăn, thách thức, nhưng sản xuất - kinh doanh có chiều hướng thuận lợi hơn, nhưng lạm phát có xu hướng tăng do tác động của chính sách tài khoá, tiền tệ nới lỏng, Nhà nước điều chỉnh tăng lương và giá một số vật tư đầu vào. 

Giá lương thực, xăng dầu và nguyên liệu cơ bản có thể tăng do tác động của giá cả thị trường thế giới. Dự báo cả năm 2009 tăng trưởng kinh tế khoảng 5%, lạm phát khoảng 6 - 8%.
 
Hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010 - 2
Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước dự báo rằng, trong năm 2010, tăng trưởng và lạm phát sẽ diễn ra theo một số kịch bản sau:

Kịch bản 1: Tốc độ tăng của tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2009 khoảng 30%, năm 2010 khoảng 25 - 27%. Hiệu quả đầu tư giảm nhẹ so với năm 2008, ICOR đạt khoảng 7,7 năm 2009 - 2010 do đầu tư mở rộng theo chính sách kích cầu.

Giá dầu thế giới tăng trở lại và đạt mức bình quân 64 USD/thùng năm 2009 và 70 USD - 75 USD/thùng năm 2010. Giá gạo thế giới có xu hướng tăng và đạt mức bình quân 570 USD/tấn năm 2009 và 750 USD/tấn vào năm 2010 (gạo 5% tấm của Thái Lan).

Kết quả dự báo bằng mô hình kinh tế  lượng và phân tích nhân tố ảnh hưởng, năm 2010, tăng trưởng kinh tế khoảng 6 - 6,5%, lạm phát khoảng từ 10%.

Kịch bản 2: Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng năm 2009 khoảng 25 - 27%, năm 2010 khoảng 23 - 25%. Hiệu quả đầu tư tương ứng năm 2008, ICOR đạt khoảng 7 - 7,5.

Giá dầu thế giới bình quân 60USD/thùng năm 2009, 70 - 75USD/thùng năm 2010 (theo dự báo của IMF ngày 8/7/2009). Giá gạo thế giới có xu hướng tăng và đạt mức bình quân 565 USD/tấn năm 2009, 600 USD/tấn năm 2010. 

Kết quả dự  báo theo mô hình kinh tế lượng và phân tích nhân tố ảnh hưởng, năm 2010, tăng trưởng kinh tế  khoảng 6,2% - 7%, lạm phát khoảng 7,5 - 8,5%.

Theo đó, năm 2009 - 2010 đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, nhưng lạm phát có sức ép tăng; việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể. 

Cụ thể, tiếp tục áp dụng mô hình kiểm soát khối lượng tiền là chủ yếu (quy mô và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng), kết hợp với kiểm soát giá cả tiền tệ (lãi suất và tỷ giá). 

Tiếp theo, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30% và giảm dần trong những năm tiếp theo, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống. 

Cùng đó, sử dụng các ngân hàng thương mại có quy mô lớn đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với yêu cầu phát triển.

Nguyễn Văn Giàu
Theo VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm