1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hãi hùng nhìn cây cầu dài hàng trăm mét không lan can

(Dân trí) - Cây cầu bắc qua sông Châu Giang, nối hai xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) và Mỹ Phúc (Mỹ Lộc, Nam Định) dài ngút tầm mắt mà không hề có lan can khiến nhiều người chỉ nhìn thôi đã... hoảng.

Cầu nguy hiểm, thu phí cao
 
Cầu bắc qua sông Châu Giang được xây dựng từ năm 1972, do nhân dân hai xã Hòa Hậu và Mỹ Phúc đóng góp vật tư, công sức, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng nên. Lúc đầu cây cầu chủ yếu được làm bằng tre và gỗ. Sau năm 1975, mặt cầu được làm bằng ván lát và bắt đầu thu phí.
 
Bắt đầu từ những năm 80 thế kỷ trước, cầu được tu sửa, đóng cọc sắt và lát bê tông. Cầu dài khoảng 100m, rộng 2m, không có lan can bảo vệ hai bên thành cầu nên không hiếm những vụ người đi trên cầu bị rơi xuống sông.

Hãi hùng nhìn cây cầu dài hàng trăm mét không lan can
Mặt cầu là những mảng bê tông ghép lại

Hiện tại mức thu phí qua cầu là: 1.500đ/lượt đối với xe máy và 500đ/lượt với xe đạp. Trong khi đó, theo Quyết định số: 956/QĐ-UB ngày 29/8/2003 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành các khoản thu phí trên địa bàn Hà Nam, mức thu phí cầu là người đi bộ: 200đ/lượt; người đi xe đạp, xe cải tiến, xích lô: 500đ/lượt; xe mô tô hai bánh, ba bánh và các loại xe tương tự: 1.000đ/lượt.

Hãi hùng nhìn cây cầu dài hàng trăm mét không lan can
Cầu chật, không có lan can nên mỗi lần qua cầu là một lần hiểm nguy

Ông Trần Huy Thanh, Trưởng Phòng Công thương huyện Lý Nhân, cho biết: “Cầu chưa đạt độ an toàn cho người qua lại, thu phí cao vào dịp lễ tết, thậm chí chính tôi đã từng có lần to tiếng với người thu phí cầu. Đề nghị ngày thường cũng như dịp lễ tết phải thu công khai đúng với mức thu phí quy định chung của tỉnh...”.

Sau nhiều lần người dân có ý kiến, UBND xã mới lắp một bóng đèn chiếu sáng ở giữa cầu và treo bảng niêm yết mức phí nhưng vẫn cao hơn so với quy định chung của UBND tỉnh Hà Nam.

Ông Trần Bá Sơn, ở xóm 12, xã Hòa Hậu bức xúc: “Tiền vốn bỏ ra không đáng bao nhiêu, nhưng cầu yếu, xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo an toàn mà thu giá quá đắt. Nếu thu như vậy thì chỉ cần 1 năm cũng đủ tiền để xây cầu mới; đằng này thu cả mấy chục năm nay…”.

Chị Trần Thị Nga, xóm 19, xã Hòa Hậu là người thường xuyên đi qua cầu chia sẻ: “Cầu không có lan can đi sợ bị ngã xuống sông lắm. Chỉ mong sao nhà nước có biện pháp giải quyết tình trạng trên và đầu tư xây lại cầu phục vụ cho dân sinh…”.

Hãi hùng nhìn cây cầu dài hàng trăm mét không lan can
Công văn chỉ đạo của Sở GTVT tỉnh Hà Nam.

Ngày 10/1/2012, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Nam đã có công văn gửi UBND xã Hòa Hậu, Lý Nhân trả lời đơn thư phản ánh của công dân. Theo đó, qua kiểm tra, Sở GTVT Hà Nam có ý kiến về hiện trạng cầu hẹp và yếu, hàng năm không được quan tâm sửa chữa, cầu không có lan can đảm bảo an toàn giao thông, không có hệ thống báo hiệu đèn chiếu sáng ban đêm, biển báo hiệu đường thủy, phao cứu sinh, bảng niêm yết giá vé và giờ mở khoang thông thuyền đúng như ý kiến của công dân.

Để đảm bảo an toàn giao thông cho người, phương tiện qua lại và có cơ sở trả lời công dân về mức thu phí, đề nghị UBNND xã Hòa Hậu làm rõ nguồn vốn xây dựng cầu từ nguồn vốn nào? đồng thời chỉ đạo giải quyết các tồn tại nêu trên…”.

Chờ đến bao giờ?

Được biết xã cho đấu thầu cầu mỗi năm một lần, trước kia giá 700 triệu đồng/năm. Tháng 12/2011, anh Trần Gia Hóa ở thôn Vạn Khoảnh, xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc, Nam Định đấu thầu với giá 1 tỷ đồng/năm, số tiền đó hai xã chia đôi. Số tiền ấy đặt bên cạnh cây cầu đáng sợ này càng khiến dân bất bình.

Hãi hùng nhìn cây cầu dài hàng trăm mét không lan can
Cây cầu chỉ nhìn thôi cũng hoảng

Ông Trần Huy Hài, Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cho biết: “Tiền trúng thầu chúng tôi chia mỗi xã một nửa nộp vào ngân sách nhà nước, chúng tôi thu được bao nhiêu thì cho vào ngân sách nhà nước, thu được ít thì điều tiết ít, được nhiều thì điều tiết nhiều. Để xây dựng cầu thì chi phí phải nhiều mà nguồn vốn hai xã thì ít, chúng tôi cũng đang tính để hàn thêm lan can cầu đi cho an toàn song còn gặp khó khăn vì thiết kế của cầu bé, nếu hàn thêm lan can thì chỉ cần một người đi xe đạp chở hàng đi là tắc cầu rồi…”.

Ông Cao Ngọc Thái, Trưởng phòng tài chính huyện Lý Nhân cho biết: “Năm 2003 có quyết định số 956 của UBND tỉnh Hà Nam ban hành, thì phải thu theo giá chung đã quy định, phí lệ phí thu của xã là một trong khoản thu ngân sách xã và được thu 100% chứ không phải trích cho ai”.
 
Nguyễn Hải Hà, Chánh thanh tra huyện Lý Nhân cho biết: “Đúng là cầu không đảm bảo an toàn giao thông cho người qua lại, nhưng thu phí thì không cao. Sau khi nhận được đơn thư của bà con thì đã có văn bản gửi về uỷ ban xã Hòa Hậu. Cầu không có đèn chiếu sáng thì xã mới khắc phục được một bóng, còn lan can cầu thì chưa, và chúng tôi đang có kế hoạch xuống làm việc với xã Hòa Hậu, xác định lại nội dung thu phí cầu”.

Kim Đức - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm