1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiên Giang:

Hãi hùng lắc lư trên những... “cây cầu di động”

(Dân trí) - Về xã Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, kênh rạch chằng chịt, mỗi con kênh, rạch người dân và chính quyền chỉ đủ sức làm một tuyến đường ở một bên bờ, cách vài ki lô mét mới có 1 cây cầu bắc qua. Vì vậy, để chủ động qua kênh thuận tiện, người dân "sáng tạo" ra "cầu di động".

Ông Võ Văn Chính ở ấp Hòa Thạnh, xã Vĩnh Bình Bắc cho biết: “Đường bên nhà tôi là tuyến đường đất, mỗi khi đến mùa mưa bà con sống trên tuyến đường này vô phương đi được. Vả lại từ nhà chạy đến cây cầu để qua sông 3 - 4km nên bà con thấy mất thời gian, tốn xăng… Thế là mua thùng phuy về làm “cầu di động” qua sông”.


Cây cầu di động là tấm ván rộng ghép bằng nhiều mảnh gỗ, gắn trên 4 thùng phuy.

Cây cầu di động là tấm ván rộng ghép bằng nhiều mảnh gỗ, gắn trên 4 thùng phuy.

Theo ông Chính, để làm một cây “cầu di động”, bà con phải kết chặt 4 thùng phuy bằng dây. Lấy ván ghép lại làm sàn và lan can cầu. Sau đó người dân chăng một sợi dây thừng ngang con kênh hoặc con sông. Khi cần di chuyển, họ đứng trên tấm ván nổi, bám vào dây thừng và kéo “cầu” qua sông. Chi phí mỗi cây “cầu di động” như thế vào khoảng 2 triệu đồng.

Dù biết qua sông bằng cầu di động nguy hiểm nhưng hiện đây là cách tối ưu với người dân nơi đây.
Dù biết qua sông bằng "cầu di động" nguy hiểm nhưng hiện đây là cách "tối ưu" với người dân nơi đây.

Ông Võ Văn Giang - ấp Bời Lời B, xã Bình Minh, cho biết: “Nhiều bà con sống bên này sông mà đất, vuông tôm… lại ở bên kia sông. Thế nên họ ngày nào cũng qua sông bằng “cầu di động””.

Cận cảnh lắc lư qua sông bằng "cầu di động".

Theo ghi nhận của PV Dân trí, từ đầu kênh đến cuối kênh ở nhiều ấp có không dưới 100 chiếc “cầu di động”… lắc lư qua sông mỗi ngày.

Ông Hà Văn Oanh ở ấp Hòa Thạnh, xã Vĩnh Bình Bắc cho biết: “Vì nhu cầu bà con cũng gắng đi, chứ đi trên cây “cầu di động” này bà con chúng tôi thấy nguy hiểm cho mấy trẻ nhỏ lắm. Ngoài ra, do số lượng “cầu di động” nhiều quá nên cũng thường xuyên xảy ra va chạm với các phương tiện đường thủy lưu thông trên sông. Bất cập là thế nhưng bà con nơi đây cũng chưa có giải pháp nào tốt và an toàn hơn để qua sông thuận tiện mỗi ngày”.

Nguyễn Hành – Nguyễn Trần