1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hãi hùng cơm bụi!

(Dân trí) - Thức ăn dồn từ ngày này qua ngày khác, bát đũa được rửa kiểu “đi qua hàng nước”, rau xào lẫn cỏ, bèo… Những quán cơm bình dân phục vụ thực khách ít tiền bằng một chất lượng theo kiểu “tiền nào của nấy”.

Muốn ăn cơm bụi, bụng dạ phải tốt

 

Chủ một quán cơm bình dân không e ngại khi nói về các món ăn được “trưng bày” trên phản gỗ nhà mình. Theo bà này, dù nước canh được nấu bằng nước giếng khoan chưa qua lọc, nhưng thứ váng nổi trong nồi là váng mỡ, chứ chẳng phải váng phèn như tôi đang nghĩ.

 

Trưa 3/9, quán cơm bình dân có tên T.B ngay tại thành phố Sơn Tây (Hà Tây) có khá nhiều thực khách. Thực đơn cũng chỉ có cá, thịt, rau. Mọi món ăn đều được chế biến ngay trước mặt khách hàng. Nhưng nhân viên quán cơm cũng không ngần ngại lấy từ tủ lạnh ra những con cá biển ươn trắng, cứng đờ để cho vào chảo rán.

 

Trong phòng vệ sinh của quán cơm, bát đĩa bẩn nằm lăn lóc dưới sàn. Bên cạnh, chậu nước rửa bát lềnh phềnh váng mỡ và thức ăn thừa. Thùng đựng cơm thừa, canh cặn…. được để ngay bên cạnh, bốc mùi chua loét, ôi thiu.

 

Ở Hà Nội, các quán cơm bình dân cũng chẳng khá hơn là mấy, đặc biệt là những hàng quán gần bệnh viện, nhà ga, trường học. Ngay trước cổng bệnh viện E, các quán cơm bụi mọc san sát nhau. Quán nào cũng chung một quang cảnh ẩm thấp, bẩn thỉu. Trên nền nhà, nước rửa bát chảy lênh láng, hàng chục đĩa thức ăn để phơi ra cho ruồi nhặng bâu, chủ quán không hề có ý định che đậy, bảo quản.

 

Chị Lê Thị Thái có người nhà là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này cho biết, vì ngại đi xa, lại không biết đường xá, nên mới ăn ở các quán này. “Bụng dạ không tốt thì ăn cơm xong là tiêu chảy luôn”, chị Thái cho biết.

 

Sinh viên Hoàng Quyết Thắng (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chỉ vào rổ rau sống: “Chẳng biết người ta rửa như thế nào mà rau còn dính đất, bụi tro cũng bám vào đen ngòm”. Nhưng chàng sinh viên này tỏ ra bình thản: “Chẳng có gì đáng ngại, vì ngày nào em chẳng ăn cơm bụi”.

 

Tại quán cơm bình dân Q.C trên đường Cầu Diễn, nhân viên phục vụ sau khi dọn rác dưới nền nhà đã nhanh tay chuyển thức ăn đến khi khách gọi.

 

“Tiền nào của nấy”

 

Ngay khu vực Bệnh viện Bạch Mai, khá nhiều quán cơm bình dân hoạt động huyên náo, đáp ứng nhu cầu của rất đông bệnh nhân của bệnh viện và người nhà người bệnh; phần lớn là người dân nghèo ở các tỉnh. “Bán đắt thì người ta không ăn, bán rẻ tất nhiên các món ăn cũng phải được lựa chọn để cân đối”, một chủ quán ở đây nói. Và để “cân đối” số thực phẩm theo túi tiền mà người tiêu dùng bỏ ra, chủ quán chỉ còn cách mua các loại thực phẩm nằm “cuối bảng” trong mỗi lần đi chợ.

 

Theo chân P, một chủ quán cơm bình dân ra chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) mới biết cách “cân đối” của họ thật đáng sợ. Vì đã làm ăn lâu nên hiểu ý, chủ sạp thịt lợn vừa nhìn thấy P đã lôi ngay dưới gầm phản ra hơn 4kg thị lợn, nửa nạc nửa mỡ. P phàn nàn thịt nhiều chỗ lốm đốm, có vết đen; người bán thịt trấn an: Lượng thịt này mới tồn có… hai ngày, ăn vẫn còn ngon lắm.

 

P tiết lộ, để lừa miệng thực khách, các chủ quán cơm thường trộn thịt mới mua với thịt thừa từ hôm trước, nấu lẫn lộn. Vì thức ăn để trong tủ lạnh và được đun lại liên tục, lúc nào cũng nóng sốt nên rất khó phát hiện là “hàng” tồn, “hàng” ôi thiu.

 

Một tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết, thông thường các chủ quán cơm bình dân hay mua cá thịt còn dư lại của ngày hôm trước vì giá rẻ hơn nhiều so với thực phẩm tươi sống trong ngày. Các loại rau, củ, quả cũng không được mua theo mớ, theo cân mà theo lô, bằng một nửa giá của thực phẩm xanh.

 

Một chị tên Bưởi ở Hà Tây, ngày ngày đưa chim cút cho một quán cơm bình dân tên T ở đường Láng Hạ. Chị cho biết mỗi sáng chị nhốt vào lồng khoảng 50 con chim cút, số chim này được vặt lông sẵn và mang ra đường Hoàng Hoa Thám bán cho khách. Nếu cuối ngày không hết hàng thì mang vào bán cho quán cơm bình dân với giá rẻ. Theo lời chị này thì thịt chim sẽ được tẩm bột rồi rán lên, nhờ có lớp bột nên bảo quản được khá lâu.

 

Trần Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm