1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nam:

Hãi hùng cầu phao!

(Dân trí) - Chỉ với 9 chiếc thuyền xi măng, một ít tre, gỗ, dây thép và cọc bê tông hai bên bờ sông, người dân xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, Hà Nam đã "chế" ra một chiếc cầu bắc qua sông Nhuệ để đi lại suốt 20 năm nay.

Đánh cược với “Hà bá” đi qua cầu phao “tử thần”

Cầu phao xã Hoàng Tây là cây cầu nối xóm Bờ Sông đến trung tâm xã Hoàng Tây. Để có đường cho các em học sinh đi học, người lớn đi làm, người dân nơi đây đã quyên góp tự làm một chiếc cầu phao bắc qua sông Nhuệ.

a1-c6385
20 năm qua, người dân xã Hoàng Tây phải đánh cược với "Hà bá' khi đi qua cây cầu phao tử thần này

Cây cầu đơn sơ và... hãi hùng này đã được sử dụng gần 20 năm nay. Trên cây cầu này cũng thường xảy ra các vụ tai nạn do cầu không đảm bảo an toàn nhưng đây là con đường ngắn nhất để qua sông nên người dân trong xã đành “đánh liều” chấp nhận. Nếu không họ chỉ còn cách đi qua đường vòng sang xã Nhật Tựu cách đó 5 km, rồi vòng quay lại mới đến được xã, hoặc chạy thẳng lên cầu Ba Đa, thành phố Phủ Lý cách đó 8km rồi tiếp tục vòng xuống mới đến được UBND xã.

a4-06ed5
a3-ab100
Sàn cầu nhiều chỗ mục nát, chỉ được nối bằng sợ dây thép

Cây cầu được làm rất sơ sài, chỉ với 9 chiếc thuyền xi măng dàn đều trên sông Nhuệ, bên trên được đặt những thanh tre và gỗ nối với nhau bằng những sợi dây thép đã gỉ sét, mặt cầu không có rào chắn hai bên, nhiều cọc gỗ mục nát, hư hỏng nặng, cầu dài hơn 100m, rộng 1,8m.

Đứng ở đầu cầu quan sát sẽ thấy nổi da gà khi cứ mỗi lần có người bước lên cầu là chiếc cầu phao đung đưa. Rùng mình nhất phải kể đến mỗi lúc tan học, cả trăm em học sinh ở xóm Bờ Sông lại nối đuôi nhau qua cầu phao về nhà. Cầu quá hẹp nên mỗi lần thấy có người dắt xe máy lên cầu là tất cả ở hai đầu cầu phải đứng đợi cho xe máy đó qua hẳn thì người khác mới được lên bởi nếu đối đầu nhau trên cầu thì chỉ có cách… rơi xuống sông.

Bà Nguyễn Thị An, người dân trong xã Hoàng Tây, cho biết: “Đi qua cầu lần nào là sợ lần ấy, nhất là mỗi khi trời mưa, đất cát theo người đi đường lên cầu, khiến cây cầu rất trơn, người nào không quen rất dễ ngã xuống sông. Nhưng không đi thì không được, vì nó là con đường nhanh nhất để sang bên kia sông”.

Người dân nơi đây cho biết, chuyện người ngã xuống sông Nhuệ khi đi qua cầu phao xảy ra như cơm bữa. Dù chưa có trường hợp nào tử vong do được cứu kịp thời, nhưng người bị thương thì vô số kể. Mỗi lần qua cầu, người dân phải xuống xe dắt bộ, tuy nhiên nhiều thanh niên khi đi xe máy qua vẫn bất chấp nguy hiểm ngồi trên xe rú ga chạy qua.

Cầu phao Hoàng Tây được sử dụng từ trước năm 1995. Cầu phao chủ yếu phục vụ nhu cầu di chuyển của 134 hộ dân ở xóm Bờ Sông. Đây còn là nơi đi lại thường xuyên của người dân nhiều xã giáp ranh như Tiên Tân (TP.Phủ Lý), xã Nhật Tựu (Kim Bảng) và xã Hoàng Đông (Duy Tiên).

Anh Nguyễn Văn Thắng, người dân ở xóm Thọ Lão, nằm gần trung tâm UBND xã cho biết: “Ngoài việc sang xóm bờ sông có việc, những vụ mùa gia đình tôi có gần 2 mẫu ruộng canh tác bên đấy, nếu đi vòng sang thì quá xa và mất thời gian. Nên đành chấp nhận đi qua cây cầu này dù có nguy hiểm”.

Cũng theo người dân ở đây cho biết, cứ vào mùa mưa lũ, để đảm bảo an toàn cho người dân, người trông coi cầu phải cắt cầu không cho người dân đi qua. Mỗi một năm, khi thượng nguồn xả lũ chiếc cầu phao của xã Hoàng Tây cũng phải trôi đến 3, 4 lần. Cứ mỗi lần như vậy, xã lại huy động lực lượng đi kéo thuyền về rồi lại dựng lại cầu.

a5-7ccc7
Người dân khi đi qua cầu phải dắt xe

Ông Trương Văn Khương, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Tây cho biết: “Thực ra, chúng tôi cũng muốn xây cho dân một cây cầu đi lại cho an toàn. Nhưng kinh phí xây dựng một cây cầu quá lớn, nằm ngoài ngân sách của xã. Xã chúng tôi chỉ là một xã thuần nông, việc có một cây cầu đàng hoàng cho học sinh và người dân đi lại thực sự chỉ là ước mơ. Mặc dù biết là rất nguy hiểm khi đi qua cầu phao, nhưng nếu không tiếp tục bảo dưỡng để duy trì sử dụng thì lại ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân, nhất là việc đi học của các cháu học sinh.”.

 

a6-6a03a
Tuy nhiên, nhiều thanh niên vẫn "vô tư" lao qua bất chấp nguy hiểm

Phía UBND xã Hoàng Tây cũng cho biết, mỗi một năm tất cả người dân trong xã đóng góp 7 tấn lúa để làm kinh phí tu sửa cầu và kinh phí cho người trông cầu. Tuy nhiên, do cây cầu đã lâu năm, lại xuống cấp nên cầu phải liên tục tu sửa, chi phí cũng không đủ.

Khi cây cầu kiên cố vẫn chỉ là một mơ ước, người dân xã Hoàng Tây và Hoàng Đông vẫn chấp nhận hàng ngày đánh cược mạng sống mỗi lần qua sông.

Đức Văn