1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hải chiến Trường Sa - Ký ức ngày “biển động”

(Dân trí) - Hơn 1/4 thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức ngày 14/3/1988 vẫn như nguyên vẹn trong tâm trí đại tá Trịnh Xuân Trường. Trong trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, 64 đồng đội của ông đã ngã xuống, máu của họ đã nhuộm nước biển Đông.

Hải chiến Trường Sa - Ký ức ngày “biển động”
Đại tá Trịnh Xuân Trường - nguyên phó chỉ huy về chính trị lực lượng xây dựng, chốt giữ chủ quyền ở cụm đảo Sinh Tồn hồi tưởng lại cuộc chiến ngày 14/3/1988.

Những ngày này, khi cả nước đang hướng về Biển Đông, về Trường Sa và những người con đất Việt ngã xuống ở đảo Gạc Ma, chúng tôi tìm gặp đại tá Trịnh Xuân Trường (SN 1957, Phó Chủ nhiệm chính trị Cục kỹ thuật Quân khu 4). Ông cũng là một trong những nhân chứng của trận chiến ngày 14/3/1988, khi quân Trung Quốc chiếm đảo.

Ký ức người giữ đảo

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đơn vị C1, D1, 126 đặc công Hải quân của ông tham gia giải phóng bán đảo Sơn Trà (quân cảng Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa, gồm đảo Song Tử, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lớn. Ngày 7/5/1975 các đảo này được bàn giao cho sư 2 Quân khu 5 chốt giữ, đơn vị của ông Trường trở về Cát Lái. Đến tháng 2/1976 do đặc thù nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, các đảo thuộc thuộc quần đảo Hoàng Sa lại được giao cho Bộ tư lệnh Hải quân quản lý, xây dựng mà trực tiếp là lữ đoàn 126. Một lần nữa ông lại đươc trực tiếp ra làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ trên đảo Sơn Ca với cương vị tiểu đội trưởng, trung đội phó.

Do tình hình biên giới phía Tây Nam, lữ đoàn 126 được điều động lực lượng cơ quan và các đơn vị huấn luyện tại bán đảo Cam Ranh tham gia chiến dịch Tây Nam. Lực lượng ở các đảo và một số cơ quan được thành lập lữ đoàn 146 làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa (tháng 10/1977), gọi tắt là đoàn Trường Sa.

Nưm 1978, ông cùng đoàn cán bộ lữ đoàn và quân chủng hải quân khảo sát và triển khai lực lượng chốt giữ các đảo: Phan Vinh, An Bang, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông. Hoàn thành nhiệm vụ triển khai chốt giữ 4 đảo trên, ông được trên cho về trường văn hóa quân chủng ôn thi và học tại Trường sĩ quan Hải quân (nay là Học viện Hải quân). Sau 3 năm, ông được điều trở lại lữ đoàn 146 công tác và ở trên các đảo Nam Yết, Thuyền Chài. Sau đó, ông được đi học Trường Đảng quân chủng Hải quân và trở lại cơ quan làm công tác tổ chức. Tình hình biển Đông căng thẳng, đại úy Trịnh Xuân Trường được điều trở lại Trường Sa.

Hải chiến Trường Sa - Ký ức ngày “biển động”
Những bức ảnh chụp ở Trường Sa - nơi ông từng chiến đấu và công tác trở thành báu vật và được đại tá Trịnh Xuân Trường cất giữ ngay bên bàn làm việc.

Đại tá Trịnh Xuân Trường nhớ lại: “Từ Tết năm 1987, 1988 tình hình biển Đông trở nên phức tạp. Trung Quốc đưa quân chốt giữ một số bãi đá ngầm thuộc chủ quyền Việt Nam như Châu Viên, Chữ Thập… Xuất phát từ tình hình đó quân chủng Hải quân chỉ thị lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân (lữ đoàn Trường Sa), trung đoàn Công binh 83 (E83 Công binh Hải quân), đoàn 125 và lữ đoàn tàu 171 cùng một số lực lượng khác trong quân chủng Hải quân tập trung xây dựng và chốt giữ các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, trong đó có cụm đảo Sinh Tồn với 3 tàu HQ604, HQ605 và HQ505.

Tôi lúc đó đang là trưởng ban tổ chức lữ đoàn 146 Trường Sa được chỉ định làm phó chính trị lực lượng xây dựng, chốt giữ đảo, đi theo tàu HQ605. Đồng chí trung tá Trần Đức Thông - Phó lữ đoàn trưởng quân sự làm chỉ huy trưởng lực lượng chốt giữ cụm đảo Sinh Tồn”.

Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, đến chiều ngày 13/4/1988, các tàu tập kết đúng vị trí quân chủng giao. Tàu HQ604 chốt giữ đảo Gạc Ma, tàu HQ605 chốt giữ đảo Cô Lin và tàu 505 nhận nhiệm vụ tại đảo Len Đa. Các chiến sỹ bắt tay vào nhiệm vụ bốc vác vật tư thiết bị xây dựng đảo và dựng bia chủ quyền trên các đảo ngầm nói trên.

Hải chiến Trường Sa - Ký ức ngày “biển động”
Đại tá Trịnh Xuân Trường (áo đen) chỉ huy lực lượng cất bốc hài cốt các liệt sỹ hi sinh trong trận chiến ngày 14/3/1988 được an táng trên đảo Sinh Tồn đưa vào mai táng trong đất liền (ảnh nhân vật cung cấp).

“4h sáng ngày 14/3/1988, anh em tiếp tục bắt tay vào công việc vận chuyển vật liệu xây đảo. 2 tàu hộ vệ pháo Trung Quốc đậu ngoài khơi thả xuồng con vào các đảo của ta để gây sự. Mỗi xuồng 3-4 tên đổ bộ lên đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương cầm lá cờ Tổ quốc cắm lên bia chủ quyền. Một tên lính Trung Quốc trèo lên giật xuống. Phương lại leo lên cắm lại lá cờ xác định chủ quyền của ta trên đảo Gạc Ma, tên địch lao theo kéo chân. Chúng bắn Phương ngã xuống, hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh bị thương.

Sau khi phía Trung Quốc nổ súng, xung đột xảy ra. Hai tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc xả đạn vào 3 tàu của ta đang neo ở các đảo. Tàu HQ604 chìm ngay tại chỗ. Trước tình thế đó, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ hạ lệnh cho máy ủi tàu HQ505 lên đảo. Khi tàu mới trườn được 1/3 thân tàu lên bãi cạn thì bị tàu Trung Quốc bắn cháy. Tàu HQ605 trúng đạn và bốc cháy ngay sau đó. Sau khi bắn vào các tàu của Hải quân Việt Nam, bỏ qua các quy tắc nhân đạo chiến tranh, các tàu Trung Quốc thu quân và bỏ chạy ra khỏi khu vực. Tôi cùng các cán bộ, chiến sỹ trên tàu HQ605 bị thương nhưng may mắn bám được vào vật liệu nổi và được các đồng đội cứu sau đó”, đại tá Trịnh Xuân Trường nhớ lại.

Đau đáu một nỗi niềm

Sau khi được đưa vào đảo sơ cứu, đại tá Trịnh Xuân Trường được đưa vào đất liền để cứu chữa với tỷ lệ thương tật 53%. Các chiến sỹ hi sinh được đưa về an táng ở đảo Sinh Tồn. Năm 1992, đại tá Trịnh Xuân Trường là phó chỉ huy về chính trị đảo Sinh Tồn. Chính ông và các đồng đội trên đảo Sinh Tồn cất bốc hài cốt các liệt sỹ đã hy sinh trong trận 14/3/1988 và đưa các anh về với đất mẹ.

26 năm đã trôi qua nhưng trong tâm trí người lính đã có 20 năm bám biển và gần 16 năm công tác trên 1 số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn đau đáu một nỗi niềm. 64 đồng đội của ông đã ngã xuống nơi tuyến đầu của Tổ quốc và nhiều người trong số họ vẫn chưa được trở về với gia đình. Xương thịt của đồng đội ông đã hòa tan vào với biển, vào từng con sóng hát mãi bài ca về chiến công quả cảm để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Giây phút lắng lòng khi nghĩ về những đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến giữ đảo.
Giây phút lắng lòng khi nghĩ về những đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến giữ đảo.

Đôi mắt người đại tá bỗng ngấn lệ khi nhớ tới Thiếu úy Trần Văn Phương - người đã ngã xuống khi cắm lá cờ xác định chủ quyền Việt Nam trên đảo Gạc Ma sáng ngày 14/3/1988. "Tối hôm trước khi xuất phát ra Trường Sa, sau khi họp xong, Phương xin phép ra ngoài mua một số đồ dùng thiết yếu. Khuya muộn, vẫn chưa thấy Phương về. Sốt ruột, lo lắng và hơn cả là sợ chuyến ra đảo sẽ bị ảnh hưởng nên khi Phương về, tôi đã giận quá mà mắng cậu ấy. Thì ra do không bắt được xe nên Phương mới về đơn vị muộn hơn quy định. Rồi ra đảo, chỉ được một hôm là Phương hi sinh. Đó là điều khiến tôi ân hận và day dứt nhất, dẫu biết rằng kỷ luật quân đội nhiều khi buộc con người ta phải nghiêm khắc như thế".

Trở về sau cuộc chiến với thương tật hơn 50%, năm 1994, vì hoàn cảnh gia đình, Đại tá Trịnh XuânTrường được chuyển công tác về Quân khu 4. Công việc cứ cuốn ông đi nhưng mỗi khi có thời gian để nghĩ ngợi ông chỉ có thể giấu nỗi buồn vào tận sâu trong tim mình. Người con trai của ông không may bị tai nạn rủi ro, mất khả năng lao động, mọi sinh hoạt đều do một tay vợ ông lo liệu. Rồi 2 người con gái tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp nhưng chưa có công việc ổn định. Dẫu buồn nhưng ông thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác đã nằm lại nơi biển xa.

Năm ngoái, một cuộc gặp mặt giữa những người lính Trường Sa trong trận chiến bảo vệ cụm đảo Sinh Tồn được tổ chức ở Đà Nẵng. Đồng đội ông, người còn, người mất, người hoàn cảnh khó khăn rồi đường xa cách trở thành ra cuộc trùng phùng ấy không phải ai cũng tới dự được. "Bao giờ anh em gặp nhau được một lần, thật đông đủ, để ngồi hàn huyên tâm sự thì tốt biết mấy. Không biết đến bao giờ những người vợ, người mẹ liệt sỹ Trường Sa mới được đón người chồng, người con thân yêu của mình trở về...", gỡ mục kỉnh khỏi đôi mắt đã ngấn nước, giọng ông như lạc đi.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm