Hai Bộ trưởng cùng khẳng định không nhận quà Tết này
(Dân trí) - Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đưa ra khẳng định này tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ diễn ra chiều tối ngày 3/2/2017.
Trao đổi với báo chí về kỳ nghỉ Tết, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, ông nghỉ theo đúng lịch của nhà nước (7 ngày) và về quê ăn Tết.
“Tết nào tôi cũng về quê ăn tết với gia đình, với mẹ với cha, tôi chưa bao giờ ăn Tết ở Hà Nội vì về quê mới đúng với ý nghĩa của một cái Tết sum vầy. Cả năm đã đi xa, chỉ có dịp này anh em tụ họp về bên cha mẹ, chia sẻ, tổng kết lại một năm công tác, bôn ba” – Bộ trưởng Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng hướng về nhiều cán bộ các Cục, Vụ của Bộ Thông tin – Truyền thông có mặt tại cuộc họp báo, khẳng định, Tết này ông thực hiện nghiêm túc quy định của Ban Bí thư, không nhận bất cứ suất quà nào của cán bộ các cấp tặng.
Sau khi có chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ TT-TT cũng có chỉ thị áp dụng trong toàn Bộ để thực hiện nghiêm túc các nội dung, nghiêm cấm cán bộ, không đi tết, tặng quà trong bất cứ đơn vị nào của Bộ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích về con số báo cáo, 70% cán bộ công chức đã thực hiện nghiêm quy định không đi “Tết sếp” của Ban Bí thư. Theo người phát ngôn Chính phủ, đây là một con số ước đoán nhưng đã phản ánh về một Chính phủ hành động quyết liệt, đúng như thông điệp đưa ra.
“Thủ tướng đã ký chỉ thị và các cơ quan thuộc Chính phủ đều ra văn bản, yêu cầu, chỉ đạo bắt buộc về việc không tiếp khách đến chúc Tết” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trong Văn phòng Chính phủ, trước khi đi Davos (Thuỵ Sĩ) dự diễn đàn kinh tế thế giới ngay trước Tết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng trực tiếp ký văn bản chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong Văn phòng không được chúc Tết tặng quà cho lãnh đạo Văn phòng, không chúc Tết, tặng quà lãnh đạo các cục, vụ thuộc Văn phòng.
“Nếu người đứng đầu không ký công văn như thế thì khó áp dụng quy định vì anh em trong đơn vị cũng băn khoăn nhiều khi việc chúc Tết đã thành truyền thống, thói quen như vậy, nếu không làm thì áy náy. Nếu để cho anh em văn phòng tự nhắc nhở nhau hay để Phó Chủ nhiệm Văn phòng ký văn bản thì không đủ ý nghĩa bằng người lãnh đạo ký” - ông Dũng phân tích.
Người phát ngôn Chính phủ cũng chia sẻ chuyện đi taxi dịp gần Tết, người lái taxi nói vui, taxi Tết này thất thu vì số người lên Hà Nội dịp Tết giảm hẳn. Ông Dũng nhấn mạnh: “Có thể tỷ lệ này hơn 70% nhưng cũng có thể xấp xỉ 70%, đó là số ước tính nhưng tôi khẳng định không có trường hợp địa phương nào lên chúc tết tặng quà Văn phòng Chính phủ”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu một dẫn chứng, trước Tết, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh rất sốt ruột về việc thúc đẩy dự án nhà máy Samsung giá 2,5 tỷ USD tại địa phương và rất muốn lên Trung ương để giải quyết sớm vấn đề này.
“Anh ấy điện thoại cho tôi, tôi gàn nói anh không phải lên vì có thể nhiều người sẽ hiểu sai ý nghĩa là lên chúc Tết, cứ để chúng tôi giải quyết. Sau đó chúng tôi đã tham mưu Thủ tướng để giải quyết việc này trong vòng một ngày. Nhà đầu tư rất phấn khởi. Tới đây, Bắc Ninh sẽ công bố chính thức dự án này, vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh” – ông Dũng kể lại.
Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh, đây cũng là một ví dụ khẳng định thông điệp quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, nói đi đôi với làm, một Chính phủ làm thật để người dân tin. Bộ trưởng cho rằng, nhận định niềm tin của người dân, doanh nghiệp đã tăng lên là như thế.
P.Thảo