Hà Tĩnh dốc sức hoàn tất chi trả bồi thường sự cố Formosa

(Dân trí) - Theo chỉ đạo mới nhất của của Chính phủ, 4 tỉnh chịu thiệt hại bởi sự cố môi trường biển xảy ra từ trung tuần tháng 4/2016 phải hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và chi trả tiền cho các đối tượng bị thiệt hại trước ngày 30/5/2017. Thời gian đã quá cận kề, nên tỉnh Hà Tĩnh đang dốc sức để hoàn tất công việc này.

Dựa trên số liệu báo cáo của của các địa phương, căn cứ các nội dung Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sau đó là Quyết định sửa đổi, bổ sung số 309/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ký ban hành ngày 9/3/2017 về việc ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo Trung ương tổng số tiền thiệt hại do sự cố môi trường gây ra cho người dân các huyện của tỉnh này là hơn 1.810 tỷ đồng.

Theo báo cáo tình hình cấp kinh phí, kết quả phê duyệt và chi trả tiền bồi thường cho người dân của UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa công bố, tính đến ngày 5/5/2017, tổng giá trị bồi thường thiệt hại trên địa bàn được UBND tỉnh phê duyệt là hơn 1.220 tỷ đồng, trong đó số tiền cấp huyện đã chi trả cho người dân đạt hơn 1.165 tỷ đồng.

Hiện tỉnh còn khoảng gần 600 tỷ đồng giá trị thiệt hại chưa được phê duyệt để chi trả cho người dân.

Người dân huyện biển Lộc Hà sẽ được nhận tiền hỗ trợ cho hàng trăm tấn xác sứa bị ảnh hưởng, không thể tiêu thụ sau sự cố môi trường biển 2016.
Người dân huyện biển Lộc Hà sẽ được nhận tiền hỗ trợ cho hàng trăm tấn xác sứa bị ảnh hưởng, không thể tiêu thụ sau sự cố môi trường biển 2016.

Thực tiễn của việc triển khai phê duyệt, chi trả tiền bồi thường cho người dân trong gần một năm qua tại Hà Tĩnh cho thấy, việc hoàn tất công tác bồi thường, chi trả tiền cho các đối tượng bị thiệt hại trước ngày 30/5/2017 như yêu cầu của Chính phủ là rất khó khăn. Hàng loạt vấn đề mà các địa phương này đang gặp khó đó là việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng còn lại. Khối lượng công việc, theo đánh giá của một lãnh đạo huyện Lộc Hà, là còn nhiều, trong khi thời gian theo quy định đang quá gấp gáp.

Trước tình hình nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn giao lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch các huyện, thị xã ven biển và thành phố Hà Tĩnh chỉ đạo hội đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại cấp huyện, UBND cấp xã khẩn trương hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hồ sơ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng còn lại theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương và các quy định hiện hành để chi trả tiền cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở NN&PTNT tỉnh này chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổng hợp kế hoạch chi tiết các hoạt độrng của các địa phương, xây dựng kế hoạch chung của tỉnh và tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh tiến hành kiểm tra, chỉ đạo các địa phương thực hiện kê khai, bồi thường thiệt hại từ ngày 12 - 18/5/2017, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 12/5/2017.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao các Sở: Tài chính, NN&PTNT, Công thương, VHTT&DL, Hội đồng kiểm tra, soát xét, thẩm tra giá trị thiệt hại do sự cố môi trường biển của tỉnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt và chi trả kinh phí cho các đối tượng bị thiệt hại, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu; chủ động xử lý các vướng mắc, khó khăn phát sinh theo thẩm quyền và tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết, theo phân cấp, nếu người đứng đầu các sở ngành, chính quyền địa phương nào thực hiện thiếu quyết liệt, chậm trễ, làm ảnh hưởng đến công tác bồi thường cho người dân thì người đứng đầu sở ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước người dân, UBND tỉnh và phải đồng thời làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5/6/2017.

Văn Dũng