Hà Tĩnh: Bùng phát trẻ bị xơ hóa cơ
85 đứa trẻ như một: Lưng gù, xương sau vai trồi lên, hai tay bị co rút lại, thân hình lòng khòng như rôbốt. Căn bệnh quái ác này không những làm cơ thể của trẻ bị biến dạng, xấu xí, mà còn báo trước một nguy cơ mất khả năng lao động.
BS. Hà Chu Thanh – GĐ Trung tâm y tế huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết hiện tượng trẻ bị xơ hoá cơ đã bùng phát tại địa phương.
Những đứa trẻ "rôbốt”
Xã Xuân Hải có tỉ lệ trẻ mắc bệnh cao nhất: khoảng 60 em; Xuân Phổ: 15 người; Xuân Liên; Tiên Điền và thị trấn Nghi Xuân “trên 10 người”. Như vậy, toàn huyện vừa phát hiện hơn 85 trường hợp trẻ em bị xơ hoá cơ - một con số kỷ lục, gây “choáng” trong dư luận.
Tôi về xóm 8 - Xuân Phổ, nơi tập trung hầu hết số ca mắc bệnh xơ hoá cơ của xã Xuân Phổ. Trưởng xóm Nguyễn Văn Hùng đọc vanh vách tên các “nạn nhân”. Nhiều gia đình có tới 2 con đều mắc.
Nguyễn Thị Thu (xã Xuân Phổ) sinh năm 1993. Khi còn nhỏ, em thường bị viêm phổi, nhiều lần đến khám và điều trị tại Trạm y tế Xuân Hải (xã bên). Khoảng 4 năm trở lại đây 2 cánh tay Thu dần dần co quắp, cơ tay đau nhức; đặc biệt sau vai 2 cục xương trồi ra, nằm ngủ cũng rất khó khăn.
Nguyễn Thị Trà Giang (1989) và Nguyễn Thị Lệ (1992), hai chị em ruột. Giang 16 tuổi, bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như: Lưng gù, hai tay lòng khòng, vai sệ và cử động khó khăn. Giang đứng dậy quay lưng về phía tôi, 2 đốt xương ở vai trồi lên.
Lệ cũng vậy. Lệ cho biết: “Cơ bắp cháu nhiều lúc đau nhừ, bưng bát cơm ăn cũng nhọc”. Các em hiện vẫn đến trường bình thường nhưng nếu không chữa trị kịp thời, chắc chắn hơn 85 đứa trẻ lớn lên, sẽ mất khả năng lao động vì hai cánh tay dường như đã bị liệt.
Các gia đình đều cho biết hồi con cái họ còn nhỏ, mỗi lúc bị bệnh đều đến điều trị tại Trạm y tế xã Xuân Hải, được tiêm thuốc tại đó. Vì sao thường trú tại xã Xuân Phổ nhưng lại đưa con em mình sang xã Xuân Hải (xã lân cận) để điều trị. Tất cả đồng thanh trả lời: “Từ xóm 8 chúng tôi sang Trạm y tế Xuân Hải tiện đường hơn Xuân Phổ và nghe nói hồi đó, thầy thuốc xã này tay nghề cao hơn !”.
Ông Nguyễn Văn Dậu mân mê cái lưng gù của cậu con trai: “Muốn đưa con đi Hà Nội mổ phục hồi chức năng, nhưng nhà tôi lo kiếm từng bữa ăn còn khó, tìm đâu ra tiền triệu thuốc thang bây giờ ?”. Người phụ nữ tên Tuyết (mẹ của Đậu Thị Hồng Hoài, Đậu Văn Huy) âu lo: “Gia đình tôi có 2 đứa con bị xơ hoá cơ. Chúng tôi chưa biết sẽ xoay sở thế nào…”.
Do sử dụng kháng sinh quá nhiều?
Điều tra ban đầu cho thấy, thời gian hàng loạt trẻ em huyện Nghi Xuân bắt đầu phát bệnh xơ hoá cơ là khoảng sau 3 – 4 năm được tiêm thuốc. Trẻ từng mắc nhiều căn bệnh khác nhau, nhưng phổ biến nhất là viêm phổi, sốt.
Ngoài ra, tại xóm 8 Xuân Phổ, có thêm 2 “ca” là người lớn: Bà Nguyễn Thị Minh – mẹ của Nguyễn Thị Trà Giang, Nguyễn Thị Lệ và bà Nguyễn Thị Hoa. Bà Hoa, bà Minh kể lại: Họ từng bị bệnh, thuốc thang điều trị ở nhiều nơi. 3 năm sau khi khỏi bệnh thì trở chứng đau khớp vai, xương sau vai nhô lên; hai tay co cứng, cánh tay dường như tê liệt.
Quan sát những trẻ bị bệnh xơ hoá cơ và 2 trường hợp lớn tuổi này đều có nhiều triệu chứng giống nhau: Lưng gù; xương vai nhô cao; hai tay bị co rút lên trên, thân hình lòng khòng như “rôbốt”.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hơn 85 trẻ đồng loạt phát một căn bệnh do đâu? Trả lời câu hỏi này, BS Hà Chu Thanh lý giải: “Khả năng do dùng kháng sinh với trẻ quá nhiều, thuốc tiêu không hết, thuốc đọng lại trong cơ thể các cháu gây xơ hoá cơ. Khi điều trị viêm phổi, có loại thuốc giống như sữa, tiêm không nhanh sẽ gây tắc kim; mà tiêm nhiều thì không tiêu được”.
Hỏi liệu có xảy ra trường hợp sử dụng thuốc quá hạn, quá đát hay không? Ông Thanh giải thích: “Không phải do thuốc quá hạn, mà do thuốc không tiêu được”. Ông Hà Chu Thanh cho biết: “Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở trẻ nông thôn, mà còn xảy ra với con cái của nhiều bác sỹ trong ngành y tế. Ngay tại xã Xuân Hải, con bác sỹ Ất cũng bị xơ hoá cơ như con y tá Yến; con BS Duẩn; y tá Điền, y sĩ Đào (Trung tâm y tế huyện Nghi Xuân), con BS. Hạnh (xã Xuân Liên) đều bị như thế cả”.
Sắp tới, Trung tâm y tế Nghi Xuân sẽ tổ chức khám, kiểm tra cho tất cả trẻ em từ độ tuổi mẫu giáo đến hết PTCS nhằm kết luận cụ thể về hiện tượng bất thường này.
Theo Tiền phong