Hà Tĩnh: Bói toán ngang nhiên hoạt động tại lễ hội đền Lê Khôi
(Dân trí) - Không chỉ xem tướng cho người lớn, những trẻ em mới 8 tuổi, 10 tuổi cũng là đối tượng để các thầy phán lấy tiền tại Lễ hội đền Lê Khôi. Hoạt động bói toán này ngang nhiên hoạt động trước sự bảo vệ của đội ngũ công an xã vì đã được thu phí.
Lễ hội đền Lê Khôi (thuộc xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 5 âm lịch hàng năm. Đền là nơi thờ Chiêu trưng đại vương Lê Khôi là cháu ruột của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ ngày đầu khởi nghĩa đến lúc kháng chiến chống Minh thành công. Ông từng tham gia Hội thề Lũng Nhai và có tên trong 35 công thần khởi nghĩa.
Năm 1443, ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan châu (Nghệ Tĩnh). Ngày 3/5 năm Bính Dần (1446), đoàn chiến thuyền về đến cửa Sót, chân núi Nam Giới thì ông mất. Triều đình tổ chức quốc tang, thi hài ông được an táng ở ngọn Long Ngâm, nhà vua cho lập đền thờ ông ở đây. Tưởng nhớ đến công lao và sự nghiệp của Đại vương Lê Khôi, hằng năm cứ đến những ngày mùng 1-3/5 âm lịch, người dân các xã Thạch Bàn, Thạch Hải (huyện Thạch Hà), Thạch Kim, Mai Phụ (huyện Lộc Hà) lại hành lễ tế ông.
Mặc dù mùng 3 tháng 5 âm lịch mới là chính hội, nhưng bắt đầu từ mùng 1 tháng 5 âm lịch năm nay (tức ngày 16/6 dương lịch), người dân đã nô nức kéo nhau về trẩy hội đền Lê Khôi.
Ăn theo lễ hội, nhiều “thầy” bói toán dạo đã kéo về đây tìm lấy một góc sân đền xếp bàn hành nghề một cách công khai.
Theo quan sát của PV báo Dân trí vào ngày mùng 2 tháng 5 âm lịch (tức ngày 17/6 dương lịch), ngay tại khu vực phía trước sảnh chính, dù diện tích rất khiêm tốn nhưng đã có tới 4 điểm bói toán, xem tướng số, xem tay. Mỗi bàn của các “thầy” được đặt 1 miếng bìa các-tông viết vài chữ: “Tâm pháp, bàn tay, tướng mạo…”, và xác tín thêm một cuốn sách về khoa học tướng số đặt ngay bên cạnh.
Có lẽ đây cũng là khu vực vô cùng náo nhiệt tại lễ hội, bởi đám đông liên tục bủa vây các thầy.
Chúng tôi cũng chen chân vào đám đông tại khu vực hàng rào sân chính để nghe thầy phán. Một thanh niên vừa ngỏ ý nhờ thấy xem bói, thầy liền nhíu mày nạt: “Thầy không phải là coi bói, mê tín dị đoan. Thầy chỉ coi tướng theo sách vở khoa học đàng hoàng”.
Không biết sách vở như thế nào nhưng cứ khoảng 5, 7 người, thầy lại phán có sự trùng hợp với nhau về tướng số một cách “kỳ lạ”. Ví dụ như: con trai thì mặt vuông, phúc hậu, làm cơ quan ban ngành chứ không phải ở nhà, số đào hoa…
Chúng tôi cũng tìm đến một thầy nữ trạc 50 tuổi, để xem tướng số cho mình. Thầy yêu cầu tôi đưa tay phải để thầy xem, sau khi xem xong thầy "vẽ" cho tôi nhiều chuyện tốt đẹp ở tương lai, tuyệt nhiên hiện tại và quá khứ không đả động tới mặc dù chúng tôi có gợi ý. Chị bạn đi cùng té ngửa khi thầy phán cuối năm sẽ lấy chồng khi đã lập gia đình cách đây gần 3 năm và đã có con.
Bi hài nhất có lẽ là việc các thầy thu tiền lễ, sau khi phán xong thầy nhanh tay phát cho chúng tôi một loạt tiền may mắn, bùa đi đường, bùa sinh con và nói: “Thôi thầy phát tâm là chính, tiền xem với số lễ vật này thầy lấy 120 nghìn”. Tôi cầm 70 nghìn và nói chỉ còn ngần này, thầy cũng nhanh tay cầm luôn “thôi thế cũng được, thầy phát tâm”.
Nhưng có lẽ kỳ lạ nhất là việc có những trẻ em mới 8, 9 tuổi cũng đã được thầy xem tướng. Đang xem bói, chúng tôi phải bỏ ngang nửa chừng nhiều lần vì thỉnh thoảng vài tốp trẻ em ở độ tuổi chưa đến 10 nhờ thầy xem bói và mua bùa. Vừa liếc mắt qua chỉ tay vừa gói vài lá bùa, thầy phán thêm 2, 3 câu “Số con tốt số, gặp nhiều may mắn, công danh tốt mà tình duyên cũng tốt”, rồi tiện tay lấy thêm 10 nghìn của các em.
Khi chúng tôi thắc mắt thì thầy giải thích: “Tuổi nào cũng coi được hết, con người ta có số mà”.
Lực lượng bảo vệ phớt lờ cho bói toán hoạt động
Mặc dù là một lễ hội ở tầm quy mô cấp tỉnh, nhưng lễ hội đền Lê Khôi là hoạt động được người dân hưởng ứng. Hằng năm cứ đến lễ, du khách và người dân đổ về rất đông. Trong số này, độ tuổi thanh thiếu niên cũng khá đông, và nhanh chóng trở thành đối tượng đắt hàng của đội ngũ bói toán này.
Không chỉ coi bói, khi vắng khách đội ngũ này cũng mời gọi khách rất nhiệt tình trước sự chứng kiến của nhiều lực lượng chức năng, như công an huyện, công an xã. Thậm chí, đội ngũ công an viên còn thỉnh thoảng ghé qua để quan sát và xem đây như một hoạt động bình thường tại lễ hội.
Chỉ cần ngồi tại bàn làm việc, đội ngũ công an viên từ 3 đền 5 người sau khi thu phí một vòng các quán hàng cũng thu phí luôn các dịch vụ bói toán, xem tướng.
Được biết, đội ngũ công an viên làm nhiệm vụ tại đây là công an viên của xã Thạch Bàn và Thạch Hải, ngoài ra có thêm lực lượng của công an huyện Thạch Hà được điều động để đảm bảo an ninh Tuy nhiên, dù khá đông lực lượng chức năng, nhưng việc bói toán hoạt động được xem như một việc hết sức bình thường.
Ngày 19/6, trao đổi với ông Nguyễn Văn Cường – chủ tịch xã Thạch Bàn (huyện Thạch Hà) về việc công an xã thu phí hoạt động bói toàn, ông Cường cho hay: “Xã cũng biết việc này, chứ không phải không biết. Tuy nhiên, đây là khoản tự nguyện họ đóng cho công an để thuê bảo vệ họ hành nghề tại lễ hội. Trong mấy ngày này hoạt động an ninh khá vất vả, những khoản này để hỗ trợ thêm cho công an, xã không liên quan”.
Liên quan đên việc bói toán ngang nhiên hoạt động tại lễ hội, ông Cường giải thích thêm: "Chúng tôi không khuyến khích hoạt động bói toán, nhưng không thể cấm triệt để được bởi tới thời điểm diễn ra lễ hội họ mới đến. Những năm trước, số hành nghề đông hơn nhưng như năm nay đã giảm đi rất nhiều. Với lại hoạt động này ở lễ hội nào cũng có, đây cũng chỉ là một hoạt động giải trí chứ không phải là mê tín”.
Phượng Vũ