Hà Nội yêu cầu xử lý nhanh các vụ án tham nhũng phức tạp
(Dân trí) - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn, Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh quá trình tố tụng đối với các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Công văn số 564-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền từ thành phố đến cơ sở tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, trong các văn bản của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đồng thời, phải tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các địa phương, đơn vị; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chế độ chính sách, tiêu chuẩn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Thực hiện phân cấp gắn liền với phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân...
Đặc biệt, đối với Ban Cán sự đảng UBND TP, lãnh đạo UBND TP, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần tập trung khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Thanh tra Chính phủ.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan Thanh tra, Công an thành phố, VKSND TP và các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; kịp thời đề xuất, chuyển các vụ việc qua công tác thanh tra có dấu hiệu sai phạm về tham nhũng, tiêu cực sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
"Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để nâng cao hiệu quả công tác răn đe, phòng ngừa" - văn bản nhấn mạnh.
Được biết, điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 đối với Hà Nội đạt 74,2/100 điểm, so với điểm tự chấm là 84,36/100 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố.
Trước đó, "dính" đến Công ty Việt Á, hồi tháng 6 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 3 vụ án, gồm một vụ liên quan Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, một vụ liên quan Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và một vụ liên quan Bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Tại CDC Hà Nội, cơ quan điều tra cáo buộc Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt và đồng phạm nhận 1,1 tỷ đồng của Công ty Việt Á.
Hồi tháng 10 vừa qua, tại hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú yêu cầu tới cuối năm 2022 phải kiểm tra, kết luận, xử lý dứt điểm đối với các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm liên quan đến vụ việc của Công ty Việt Á.
Ngoài ra, mới đây, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn (đơn vị trực thuộc Sở Y tế Hà Nội), thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng.