Hà Nội: Xưởng nhựa lấn đất công “thổi bay ghế” 3 chủ tịch xã

(Dân trí) - Trong hơn 2 năm (2016-2018), 3 Chủ tịch UBND xã Văn Tự (huyện Thường Tín, Hà Nội) người thì bị cho về hưu sớm, người bị chuyển công tác vì không xử lý được một xưởng nhựa nằm trên đất công.

Xưởng nhựa Huy Hoàng rộng hàng trăm mét vuông nằm trên khu vực đất Thùng Lò Gạch, thuộc thôn Minh Nga, xã Văn Tự. Ông Trịnh Hùng Sơn - Chủ tịch UBND xã Văn Tự (mới nhận nhiệm vụ) cho biết, khu vực Thùng Lò Gạch là đất công ích, được giao thầu sai quy định từ nhiều năm trước.

Theo ông Sơn, từ năm 1994, đất Thùng Lò Gạch được HTX nông nghiệp Minh Nga giao thầu cho ông Vũ Đức Mạnh với mục đích sử dụng để chăn nuôi và trồng trọt. Năm 1997, HTX nông nghiệp này tiếp tục giao thầu thửa đất này cho ông Nguyễn Văn Xiêm với diện tích hơn 1.000 m2, thời hạn 10 năm.

Ông Trịnh Hùng Sơn khẳng định, việc giao thầu như vậy là trái quy định, do HTX nông nghiệp Minh Nga không đủ thẩm quyền quản lý và sử dụng, hay giao thầu thửa đất Thùng Lò Gạch.

Đến năm 2013, nhân dân thôn Minh Nga đã thống nhất kiến nghị chính quyền địa phương thu hồi thửa đất nêu trên để xây nhà văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, mảnh đất vẫn không những không được trả cho nhà nước, mà còn bị xây thêm cả nhà xưởng sản xuất, tái chế nhựa.

Hà Nội: Xưởng nhựa lấn đất công “thổi bay ghế” 3 chủ tịch xã - Ảnh 1.

Quyết định cưỡng chế được huyện Thường Tín ban hành từ năm 2017 nhưng chưa được thực hiện

Tháng 4/2017, UBND huyện Thường Tín đã xác định, ông Nguyễn Văn Xiêm đã xây dựng nhà xưởng sản xuất nhựa cao 5m, khung sắt, mái lợp tôn, diện tích 493 m2 trên đất không được phép xây dựng (đất công do UBND xã Văn Tự quản lý). UBND huyện Thường Tín đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Xiêm tự phá dỡ công trình xây dựng trái phép, nhưng ông Xiêm không chấp hành.

Đến tháng 10/2017, UBND huyện Thường Tín đã có quyết định về việc cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với nhà xưởng sản xuất nhựa do gia đình ông Nguyễn Văn Xiêm dựng trên đất công ích.

Tháng 3/2008, UBND xã Văn Tự trình lên UBND huyện Thường Tín kế hoạch cưỡng chế công trình nhà xưởng trái phép nêu trên. Tuy nhiên, từ đó tới nay, xưởng nhựa Huy Hoàng vẫn tồn tại, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn nhộn nhịp đêm ngày. Khói bụi kèm theo mùi khét lẹt tra tấn người dân trong khu vực.

“Liên quan đến các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng và do bất lực trong xử lý, thu hồi đất, từ năm 2016 tới nay, ở Văn Tự đã thay 3 Chủ tịch xã. Người thì cho về hưu sớm, người thì làm Chủ tịch được vài tháng phải chuyển công tác khác vì không xử lý được tình trạng lấn chiếm đất công”, vị Chủ tịch xã mới nhận nhiệm vụ là ông Trịnh Hùng Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết cảm thấy áp lực và rất lo lắng, không biết nhận chức vụ chủ tịch xã rồi có cưỡng chế được xưởng nhựa ở thôn Minh Nga hay không. Ông Sơn mong được UBND huyện Thường Tín hỗ trợ trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế, xử lý vi phạm của xưởng nhựa Huy Hoàng cũng như các vi phạm khác tại thôn Minh Nga.

Ông Sơn cho biết, mọi hoạt động ở xã thời điểm này chủ yếu tập trung cho hoàn thành cưỡng chế xưởng nhựa Huy Hoàng và những vi phạm khác ở thôn Minh Nga. Do không rõ quyết định cưỡng chế của huyện Thường Tín có còn hiệu lực hay không, nên những ngày này ông Sơn đang sang các phòng ban để hỏi lại quy trình, thủ tục và căn cứ pháp lý.

“Các quyết định xử phạt, cưỡng chế, kể cả kế hoạch cưỡng chế, được ban hành từ hơn một năm trước, nên tôi không biết bây giờ có còn hiệu lực không. Chúng tôi sẽ xin ý kiến của huyện, nếu còn hiệu lực sẽ thực hiện, nếu không phải làm lại thủ tục từ đầu”, ông Sơn nói.

Quang Phong