Hà Nội xử lý nghiêm xe ô tô gắn “mác” Bộ Công an
(Dân trí) - Những tấm bìa cứng khổ A4 in chữ Bộ Công an kèm theo biển số xe thực chất là giấy cấp cho cán bộ công tác trong Bộ Công an để ra vào khu để xe. Tuy nhiên, nhiều lái xe sử dụng phù hiệu này lại gây khó khăn cho lực lượng CSGT khi bị chặn dừng, xử phạt.
Sáng 14/7, trong cuộc họp báo cáo kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm 2016, Thượng tá Phạm Văn Hậu - Phó Trưởng Phòng CSGT (PC67 - CATP Hà Nội) - nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm lập lại TTATGT việc tăng cường phát hiện, xử lý những xe ô tô đeo phù hiệu Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước không hợp lệ đang lưu hành.
Theo Thượng tá Phạm Văn Hậu, hiện nay, rất nhiều xe ô tô mang BKS tư nhân nhưng vẫn sử dụng phù hiệu của Bộ Công an, cơ quan báo chí và các cơ quan Nhà nước khác đang lưu thông trên đường gây phản cảm trong quân chúng nhân dân. Thậm chí, lái xe còn gây khó khăn khi bị CSGT xử lý các lỗi cơ bản. Phòng PC67 - CATP Hà Nội đã đề xuất, xin ý kiến Giám đốc CATP Hà Nội và Bộ Công an xử lý nghiêm, thu hồi những giấy tờ, phù hiệu cấp dán trên xe để xác minh làm rõ.
Những giấy tờ này dạng bìa cứng, tương đương khổ A4, in chữ Bộ Công an kèm theo BKS xe ô tô, có gạch chéo màu đỏ. Đây thực chất là giấy cấp cho cán bộ đang công tác trong Bộ Công an để ra vào khu vực để xe thuận tiện cho công tác bảo vệ, không có tác dụng thay thế cho nhân thân người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Đối với xe để phù hiệu báo chí, Phòng CSGT Hà Nội cũng cho biết, đây là loại phù hiệu cấp cho xe phục vụ báo chí thuận tiện khi tham gia giao thông tùy từng kỳ cuộc như họp Quốc hội hay các sự kiện lớn. Loại phù hiệu này thường in bằng song ngữ Anh - Việt, chỉ có giá trị sử dụng nhất định, không có giá trị ưu tiên khi vi phạm giao thông và lưu thông trên đường. Theo quy định của cơ quan cấp phù hiệu, hết thời gian sử dụng, các phù hiệu phải được thu hồi và tiêu hủy.
Đại diện Cục CSGT khẳng định, Bộ Công an không chủ trương cấp những phù hiệu trên để mang tính chất hù dọa và tạo đặc quyền, đặc lợi cho cá nhân, tập thể nào. Nếu lực lượng CSGT Hà Nội phát hiện, đề nghị xử lý nghiêm tội giả mạo giấy tờ cơ quan Nhà nước theo đúng luật định.
Trước đây từng có “phong trào” để mũ của công an và CSGT lên xe như để “khoe khoang” về quan hệ. Sau này, bị lực lượng CSGT “bắt bài”, nhiều cá nhân đã tìm cách để phù hiệu Bộ Công an, phù hiệu in chữ An ninh và Báo chí lên xe và tự coi đây như “đặc quyền, đặc lợi” khi tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Phòng PC67 - CATP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã xử lý 5 trường hợp người nước ngoài vi phạm giao thông, 34 ô tô biển xanh, 26 ô tô biển đỏ; đã kiểm tra xử lý 4.436 trường hợp vi phạm qua hệ thống camera; bắt giữ 5 xe ô tô BKS giả bàn giao cho Phòng Cảnh sát hình sự giải quyết; trích xuất 120 lượt hình ảnh phục vụ công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông bỏ chạy và phát hiện tội phạm.
Tiến Nguyên