1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội: Xếp hàng, đội nón đi vệ sinh

Con đường vào khu tập thể 8/3, phường Quỳnh Lôi, quận Hai bà Trưng vốn đã chật chội lại luôn ngổn ngang những chiễc xe chở rác. Trên các tầng của khu chung cư, vô số những chuồng cọp, ba lô cái thò cái thụt, là nơi phơi quần áo, trồng rau và để... nuôi chim.

Sát khu chung cư là chợ tạm với những rau, quả, cá tôm... Nhưng, tất cả chưa ăn thua gì so với những điều mà chúng tôi chứng kiến trong những căn hộ của khu tập thể, nơi mà hàng trăm người dân đang sinh sống.

9h sáng Chủ nhật 20/4, tại tầng 2 khu nhà A1 - tập thể 8/3, ông Đỗ Đức Giầu đang ngồi hì hụi bên bếp than tổ ong được đặt trong hốc nhỏ, nơi được thiết kế làm chỗ để một vài cái chai lọ. Vì nhà quá chật, người đàn ông này tự tạo thêm cái cánh cửa gỗ khép vào cái lỗ trên tường đó và thành cái bếp. Trong căn nhà chưa đầy 10 mét vuông, ông Giầu kể rằng: Tôi đã ở đây gần 50 năm như thế, kể từ khi còn là công nhân nhà máy dệt 8/3. 

Ông đã sống qua hơn nửa thế kỉ, tóc đen thành tóc bạc, từ một thanh niên trai tráng giờ đã thành ông nội, ngoại thì ngôi nhà cũng xuống cấp nhiều. Đồ đạc trong gia đình ngày càng nhiều khiến căn nhà vốn đã chật, ẩm thấp, mục nát càng trở nên quá sức chịu đựng. Ở khu tập thể này, hầu hết các hộ gia đình đều “thiết kế” bếp ra ngoài hành lang. Cái to, cái nhỏ, cái thụt vào cái thò ra chiếm hết lối đi... Vì thế, cái hành lang rộng chưa đầy 1 mét chỉ còn là một lối nhỏ đủ một người len chân, luôn sặc mùi than tổ ong.

Khói than bay lên nhiều năm khiến trần đen kịt. Có lẽ chỉ những người quen ở đây mới tự tin đi lại trong khu hành lang này còn chúng tôi vừa đi vừa phải dò dẫm và bịt mũi vì vô số các mùi khác nhau xộc vào phổi đến tức ngực. Vừa dẫn chúng tôi đi, ông Đỗ Đức Giầu vừa nói: Từ ngày có khu tập thể này, rất nhiều đứa trẻ đã lớn lên ở đây. Chúng cũng đi trong bóng tối và sự ngột ngạt như vậy ngay từ ngày đẻ ra nên chắc quen rồi!

Càng khổ sở hơn khi tất cả các dãy nhà từ A1 đến A6 của khu tập thể 8/3 mỗi tầng chỉ có một cái toa lét công cộng chung với nhà tắm. Bà Bùi Kim Lan - tổ phó tổ dân phố 38, đồng thời cũng là công dân đang sống tại tầng 3 nhà A1 chia sẻ: Gần 100 con người chung nhau toa lét không những bất tiện mà còn xích mích đủ chuyện.

Hà Nội: Xếp hàng, đội nón đi vệ sinh - 1

Con út nhà bà Khanh trong 
"phòng ngủ"  của mình.
(ảnh: TTTĐ)

Cứ mỗi buổi sáng, dù bận đến mấy vẫn phải xếp hàng chờ nhau. Việc tầng nọ chửi bới tầng kia do nước của toa lét tầng trên, nhỏ xuống tầng dưới là chuyện xảy ra như cơm bữa. Khu tập thể đã quá chật chội cũ kĩ nên các tầng đều dột. Người đi vệ sinh tầng dưới luôn bị nước vệ sinh ở tầng trên nhỏ xuống đầu, xuống cổ. Cả khu tập thể vốn cùng làm cán bộ công nhân viên một nhà máy mà không ít người không nhìn mặt nhau chỉ vì nghi ngờ người này “dội” xuống người kia trong gian toalét công cộng.

Bà Lan nói: Riêng chuyện thu phí vệ sinh cũng rất phức tạp do dân cư chủ yếu là người nghèo. Mới đầu thu tiền giấy vệ sinh để dùng chung nhưng không hiểu sao cái toa lét cứ dùng giấy vệ sinh là tắc nên các gia đình phải thỏa thuận “giấy nhà ai người đó dùng”. Vì vậy, trong gian toa lét và nhà tắm công cộng đã vô cùng chật chội lại mọc thêm ra một cái thùng đựng giấy vệ sinh. Đủ loại giấy: tự tiêu cũng có, giấy báo cũng không ít và cả loại giấy khó tiêu khác, bốc mùi nồng nặc.

Ngay kế bên và đối diện với toalét công cộng này là 2 căn hộ, một 12 mét vuông, 5 người, 2 thế hệ ở; một 6 mét vuông của 2 vợ chồng trẻ và 1 đứa con. Gian nhà chứa nước sinh hoạt của cả dãy cũng ngay cạnh đấy. Hàng mấy chục cái xô hứng nước, phi lớn, phi nhỏ đang chờ chực nước sạch chảy vào thùng nhà mình.

Bà Nguyễn Thị Khanh, một chủ hộ nói: “Có những hôm nước của khu tập thể chảy vào xô đục ngầu phải để cả ngày lắng xuống, dân mới dám dùng. Biết vậy nhưng nghèo, không có tiền thì đi đâu?” Thủ đô Hà Nội đang bằng mọi cách ngăn chặn dịch tả. Trong khu chung cư này dường như những căn hộ ẩm mốc, thủng, dột tứ tung vẫn “coi như không có chuyện gì xảy ra”!

Đến gần giờ nấu cơm trưa, bên hành lang, chân cầu thang, tất cả bếp núc đồ ăn của các gia đình để ra những chỗ trống dù chỉ đủ ngồi và đặt cái thớt nhỏ. Người dân băm băm, chặt chặt, nhặt nhạnh rau cỏ rồi đưa vào nhà chờ nước công cộng, sát vách với toalét để rửa. Trên đầu, nước từ tầng trên vẫn thỉnh thoảng nhỏ xuống tầng dưới tong tong và rơi trúng vào những rổ rau của mấy đứa trẻ con được giao cho công việc nấu nướng. 

Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô