Hà Nội “vứt xó” hơn 40.000 sổ đỏ!
Thống kê sơ bộ, tính đến tháng 8/2006, thành phố Hà Nội còn tồn đọng 40.572 sổ đỏ đã ký nhưng chủ sử dụng không đến nhận. Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không có tiền nộp nghĩa vụ tài chính.
Dân chê sổ đỏ!
“Sổ đỏ ký xong lại cất vào kho vì dân không đến nhận” - ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Đăng ký thống kê - Sở TNMT&NĐ Hà Nội cho biết. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Quang là do người dân không có tiền nộp nghĩa vụ tài chính.
Ước tính, 80% sổ đỏ tồn đọng tại Phòng TNMT các quận, huyện còn nợ nghĩa vụ (thuế trước bạ, chuyển quyền và tiền sử dụng đất). Số còn lại là trường hợp cấp sai, có tranh chấp (số này Nhà nước sẽ thu hồi, cấp lại, hoặc trả cho dân sau khi giải quyết xong khiếu kiện).
Theo ông Quang, tình trạng tồn đọng chỉ xảy ra từ đầu năm 2005 đến nay, khi Hà Nội thực hiện cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai năm 2004 và Nhà nước không cho ghi nợ nghĩa vụ tài chính nữa.
Để hoàn thành kế hoạch, thời gian qua, Hà Nội cho dân kê khai làm sổ đỏ mà không bắt buộc phải nộp tiền ngay. Khi có sổ đỏ, được mời đến nộp thuế, nhiều người mới té ngửa vì số tiền quá lớn.
“Đất ở ổn định, chẳng tranh chấp với ai, làm sổ đỏ mất hơn chục triệu đồng thuế các loại”- Ông Nguyễn Văn Thành, một người dân ở quận Hoàng Mai bức xúc khi quyết định không đến nhận sổ.
Không có tiền nộp thuế, ông Thành và nhiều gia đình khác đành “nhờ” Nhà nước giữ hộ, khi cần thì lên lấy về! Ông Trần Văn Trung, Trưởng Phòng TNMT huyện Thanh Trì cho biết tính sơ sơ, số tiền mỗi hộ phải nộp tới 7 - 8 triệu đồng, bằng 2 tấn lúa chứ ít gì!
Và nếu tính cả tiền sử dụng đất, người dân có thể phải nộp đến vài chục triệu. “Nhiều lần gọi dân kê khai nộp thuế, nhận sổ, nhưng chẳng ai đến. Huyện đành cất hơn 2.000 sổ đỏ vào kho!”- Ông Trung nói.
Tương tự, quận Hai Bà Trưng cũng tồn đọng hơn 3.000 sổ đỏ, các quận huyện khác, số tồn từ vài ngàn đến cả chục ngàn chiếc. Theo một cán bộ Phòng TNMT quận Hai Bà Trưng, những trường hợp này đều còn nợ thuế.
| |
Người dân nộp nghĩa vụ tài chính |
Trong hai năm qua, quận mới trả được khoảng 1.000 sổ đỏ (bằng 25% số đã cấp). Vị cán bộ làm phép tính: “Nếu lấy giá đất thấp nhất (theo quy định) là 12 triệu đồng/m2 (đường cấp 2, vị trí 2), một người dân kê khai làm sổ đỏ 100 m2 đất phải nộp các khoản sau: Trước bạ (1%)x12 triệu đ/m2 x 100m2=12 triệu; ngoài ra, có thể phải nộp thuế chuyển quyền (với nhà đất mua bán): 4% x 12 triệu đ/m2 x 100m2 = 48 triệu đ. (đất sử dụng sau 15/10/1993 còn phải nộp tiền sử dụng từ 50-100% giá trị lô đất)”.
Để có sổ đỏ, người dân phải đóng một khoản tiền khá lớn, không dễ có với các gia đình ở nông thôn, viên chức thu nhập thấp. Điều này lý giải vì sao các quận huyện ven đô như Hoàng Mai, Thanh Trì, Long Biên, Sóc Sơn sổ đỏ tồn đọng nhiều đến thế.
Tiền tỷ sợ mối xông
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội đến cuối năm 2005, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/sở hữu nhà. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước, nhưng bên cạnh đó, vấn đề tồn đọng“sổ đỏ” chưa được giải quyết.
Nếu tính cả số sẽ cấp trong năm 2006-2007 (còn hơn 70.000 hồ sơ chưa cấp), đến cuối năm số tồn đọng sẽ cao hơn nhiều. Theo ông Lê Quý Đôn- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thành phố đã nhiều lần đề nghị Chính phủ cho dân được ghi nợ nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, tại Nghị định số 17/2006/NĐ-CP (ngày 27/1/2006), quy định Chính phủ chỉ cho phép ghi nợ tiền sử dụng đất đối với một số trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư, hoặc chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở nhưng chưa có khả năng tài chính.
Không cho phép ghi nợ thuế chuyển quyền sử dụng đất và trước bạ. Vì vậy, tồn đọng sổ đỏ là bài toán chưa có lời giải. Nhà nước không thu được tiền của dân trong khi hàng chục ngàn sổ đỏ nằm chờ mối mọt. Để đẩy nhanh tiến độ, từ năm 2005 thành phố đã phải chi cho thêm mỗi sổ đỏ 127.000 đồng. Hơn 40.000 sổ đỏ sẽ là gần 5 tỷ đồng (chưa kể lương và các khoản chi phí khác).
Một cán bộ TNMT cho biết, cứ lo ngay ngáy vì phải canh kho sổ đỏ. “Mất mát, mối mọt, cháy nổ đều có thể xảy ra, vì kho không có biện pháp bảo quản đặc biệt nào” - Vị cán bộ tiết lộ.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Quang, nếu không cho dân ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì vấn đề sổ đỏ chưa được tháo gỡ. “Nên chăng, Nhà nước chỉ thu các khoản nghĩa vụ khi người dân chuyển quyền sử dụng. Nếu được như vậy, vấn đề sẽ đơn giản hơn, chỉ cần trả sổ đỏ cho dân là xong” - Ông Quang đề xuất.
Tính đến nay, Hà Nội đã cấp 357.545 GCN trên tổng số 448.730 hồ sơ đăng ký ở khu vực tư nhân, đạt 97%. Hiện còn 78.123 trường hợp không đủ điều kiện cấp. Số này được phân loại tiếp để cấp GCN trong năm 2006-2007.
Theo ông Lê Quý Đôn, vấn đề này Hà Nội vẫn đang tiếp tục báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Nguyễn Tuấn
Tiền Phong