1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội vận động ngoại thành ngừng “hun khói” nội thành

(Dân trí) - “Vào mùa này sương xuống rất nhiều, khói rơm, rạ không thoát được lên trời, lan tỏa dưới mặt đất, bay vào cả nội thành. Do vậy, năm nào chúng tôi cũng có văn bản đề nghị các huyện vận động bà con không đốt rơm, rạ, mà làm nguyên liệu trồng nấm, phân bón, thức ăn cho gia súc”, ông Nguyễn Trọng Lễ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói.

Những ngày gần đây, người dân các huyện ngoại thành Hà Nội lại thi nhau đốt rơm, rạ sau vụ gặt khiến khói, lửa bốc lên nghi ngút trên các cánh đồng ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, ùa cả vào nội thành. Một số người dân đốt rơm, rạ ngay cạnh đường quốc lộ, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện giao thông. Khói rơm, rạ còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ngoại thành và nội thành Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, bà Lê Thị Hà - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, năm nào cũng vậy, trước khi vào vụ gặt, chính quyền các xã yêu cầu chủ máy tuốt ký cam kết không được phụt rơm rạ ra ven đường, xuống kênh rạch. Đối với người dân, chính quyền xã cũng tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức không đốt rơm, rạ mà tận dụng làm nguyên liệu cho phương pháp sản xuất nông nghiệp khác.

Người dân ngoại thành đốt rơm, rạ sau vụ gặt
Người dân ngoại thành đốt rơm, rạ sau vụ gặt

“Ban đầu chúng tôi phải cưỡng chế một số máy gặt, máy tuốt, sau đó người dân mới chấp hành nghiêm túc. Còn việc hướng dẫn người dân không đốt rơm, rạ mà chuyển sang làm nguyên liệu để trồng nấm, phân bón hay thức ăn cho gia súc thì vẫn phải tiếp tục vận động”, bà Lê Thị Hà Nói.

Bà Hà cho biết, qua quá trình tuyên truyền, vận động, so với những năm trước, năm nay nhân dân trên địa bàn huyện Thanh Oai đốt rơm, rạ ít hơn rất nhiều. Đặc biệt, ven quốc lộ hầu như không còn hiện tượng này. Theo bà Hà về việc này lãnh đạo các xã cần phải tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức dần dần qua các năm.

Ông Nguyễn Văn Hoạt - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, đã chỉ đạo cho Chi cục Bảo vệ thực vật và các bộ phận liên quan đến nông nghiệp vận động người dân không đốt rơm, rạ mà sử dụng làm nguyên liệu hữu ích hơn cho ngành nông nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Lễ, những năm gần đây nhiều hộ gia đình các huyện ngoại thành không còn tận dụng rơm, rạ làm chất đốt do họ chuyển sang dùng khí gas hoặc điện. Chính vì vậy, sau mùa gặt, người dân chất rơm, rạ lại thành đống đốt luôn giữa cánh đồng để lấy tro bón ruộng.

“Vào mùa này sương muối xuống dày đặc nên khói rơm rạ không thoát được lên trời, lan tỏa dưới mặt đất, bay vào cả các quận nội thành. Điều này không những lãng phí rơm rạ, mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người dân ngoại thành lẫn nội thành”, ông Lễ phân tích.

Ông Lễ cho biết, hàng năm vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, Sở Tài nguyên và Môi trường đều có văn bản gửi UBND các huyện chỉ đạo chính quyền các xã vận động người dân không nên đốt rơm, rạ mà sử dụng để trồng nấm, ủ làm phân bón hoặc thức ăn cho gia súc.

“Việc này dựa phần lớn vào ý thức của người dân. Tuy nhiên, qua thực tế tuyên truyền, vận động ý thức người dân cũng có chuyển biến nhưng chưa hết hẳn. Do khói không thoát được lên trời nên chỉ cần một vài hộ còn đốt rơm, rạ thôi cũng ảnh hưởng rất lớn”, ông Nguyễn Trọng Lễ nói.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm