1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội và TPHCM phạt gần 700 tỷ đồng vi phạm giao thông

(Dân trí) - Sau hai năm áp dụng Nghị định 34, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông trong nội thành, nộp kho bạc gần 700 tỷ đồng.

Theo báo cáo sơ kết 2 năm áp dụng mức phạt thí điểm đối với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ theo quy định của Nghị định 34 trong khu vực nội thành ở thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa được Chính phủ gửi Quốc hội, số vụ và số tiền CSGT xử phạt đều tăng cao hơn so với thời gian liền kề.
 
CSGT và Thanh tra phối hợp xử lý vi phạm giao thông
CSGT và Thanh tra phối hợp xử lý vi phạm giao thông 

Cụ thể, CSGT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý áp dụng mức xử phạt thí điểm trong khu vực nội thành gần hơn 860.000 trường hợp (chiếm tỷ lệ khoảng 76% tổng số vụ xử lý trên toàn thành phố); nộp kho bạc Nhà nước gần 150 tỷ đồng (chiếm 52% số tiền thu phạt). So sánh với thời gian liền kề tăng hơn 324.000 trường hợp. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tạm giữ hơn 40.000 phương tiện, tước hơn 121.000 giấy phép lái xe.

Ngoài ra, thanh tra giao thông Hà Nội đã kiểm tra, xử gần 47.000 trường hợp (chiếm 45,3% tổng số vụ xử lý trên toàn thành phố), với tổng số tiền đã xử phạt là hơn 36 tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh CSGT đã kiểm tra, xử lý áp dụng mức xử phạt thí điểm trong khu vực nội thành gần 2,3 triệu trường hợp (chiếm tỷ lệ khoảng 70% tổng số vụ xử lý), trong đó hơn 2,8 triệu đường hợp đã chấp hành thực hiện quyết định xử phạt nộp kho bạc Nhà nước gần 448 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tạm giữ hơn 120.000 phương tiện, tước hơn 89.000 giấy phép lái xe các loại.

Lực lượng thanh tra giao thông thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kiểm tra, xử lý hơn 19.000 trường hợp, tổng số tiền đã xử phạt hơn 20 tỷ đồng (tăng hơn 130% số vụ vi phạm và tăng gần 800% số tiền so với cùng thời gian trước khi áp dụng).

Thống kê của CSGT Hà Nội và Hồ Chí Minh cho thấy các hành vi vi phạm phổ biến là tránh, vượt không đúng quy định; lưu thông không đúng phần đường; đậu, dừng không đúng quy định; lưu thông ngược chiều, vượt đèn đỏ... Nguyên nhân dẫn đến vi phạm chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn yếu.

Vấn đề bất cập khi thực hiện Nghị định cũng được chỉ ra: mặc dù mức xử phạt trong khu vực nội thành hai thành phố đã được thí điểm tăng cao gấp hai lần để tạo tác dụng răn đe, giáo dục người tham gia giao thông nhưng kết quả xử phạt cho thấy số vụ vi phạm hành chính về giao thông đường bộ trong khu vực nội thành vẫn chiếm tỷ lệ cao (70%) so với khu vực ngoại thành.

Điều đó cho thấy cần phải xem xét đến các nguyên nhân chủ quan khác có tác động trực tiếp đến ý thức người tham gia giao thông như: điều kiện giao thông quá tải, kết cấu hạ tầng giao thông chật hẹp, thiếu thân thiện, khó quan sát gây ức chế, căng thẳng cho người tham gia giao thông, cùng với sức ép công việc, thời gian gấp, vội vàng, muốn đi nhanh, đi trước... đã kích thích người tham gia giao thông vi phạm hành chính về GTĐB mà không nghĩ đến hậu quả xảy ra. Bên cạnh đó việc phát hiện các vi phạm chưa triệt để, nghiêm minh nên sinh ra nhờn luật, coi thường vi phạm của một bộ phận người tham gia giao thông.

Sau hai năm thực hiện Nghị định 34, Chính phủ cho biết, cần phân định rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng để tránh chồng chéo và nâng cao hiệu quả xử phạt. Tiếp tục cho phép thí điểm nhân rộng áp dụng mức xử phạt cao theo quy định trong khu vực nội thành tại 5 thành phố loại I trực thuộc Trung ương.

Quang Phong