Hà Nội và những địa danh lịch sử
(Dân trí) - Trong dịp lễ Quốc Khánh 2/9, khi các con đường đỏ rực cờ hoa chào mừng kỉ niệm ngày trọng đại của đất nước, chúng ta hãy cùng nhìn lại những địa danh, di tích của Hà Nội đã chững kiến nhưng thời khắc lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
Quảng trường Ba Đình tại Hà Nội. Cách đây 69 năm, ngày 2/9/1945 Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vào năm 1975 Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành trên Quảng trường Ba Đình. Đây là nơi là nơi gìn giữ lâu dài thi hài Bác để nhân dân cả nước và quốc tế có thể đến thăm viếng.
Đây là ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội). Trước đây là cửa hàng buôn bán tơ lụa Phúc Lợi của gia đình cụ Trịnh Phúc Lợi. Cụ là một nhà tư sản yêu nước tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can lãnh đạo những năm đầu thế kỉ 20.
Tại nhà 48 Hàng Ngang, Bác Hồ đã đến ở và viết bản Tuyên ngôn độc lập từ ngày 25/8 đến 2/9/1945. Đây là căn phòng lớn trên tầng 2 được Bác dùng làm nơi tiếp khách.
Bộ bàn ghế Bác Hồ sử dụng trong những ngày soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang.
Nhà Hát Lớn và quảng trường Cách mạng tháng Tám. Ngày 19/8/1945 nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh lớn được Việt Minh biến thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang cướp chính quyền, mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám trên cả nước.
Cũng trong ngày 19/8/1945 lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ Phủ khâm sai Bắc Kỳ số 12 phố Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội).
Nhà bà Hai Vẽ phường (Phú Thượng, quận Tây Hồ - Hà Nội) là cơ sở hoạt động bí mật của Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) từ năm 1941 đến năm 1945.
Bà Hai Vẽ tên thật là Công Thị Lùn, chồng là ông Hai người làng Vẽ (Đông Ngạc - Từ Liêm). Do ông bà đều là người hiền lành tốt bụng, nhà cửa kín đáo gần bến đò bên sông Hồng nên Thường vụ Trung ương Đảng đã cử người tìm đến tuyên truyền giác ngộ, biến ngôi nhà của gia đình bà Hai Vẽ thành một nơi an toàn bí mật. Trong ảnh là căn nhà lá của bà Hai Vẽ vẫn được gìn giữ.
Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình – Hà Nội) được xây dựng trong triều Nguyễn, đây là một biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Hiện tại Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Khi người Pháp tiến phá Thành Hà Nội, cột cờ đã suýt bị phá hủy. Vào ngày 10/10/1954 lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng – cờ Tổ quốc – tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội khi đoàn quân tiến về giải phóng Hà Nội.
Hữu Nghị