1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội và những con đường đau khổ

(Dân trí) - Vỉa hè lem nhem, lộn xộn, mặt đường chi chít ổ gà, ổ voi, nhầy nhụa bùn đất vào trời mưa và mịt mù bụi ngày nắng - Đó là hình ảnh thường trực của những con đường ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, trở thành nỗi thống khổ của dân ngày này qua ngày khác.

Kinh hoàng đê La Thành

 

Dài vẻn vẹn chưa đầy 3 km nhưng đường La Thành lâu nay vẫn được xem là “điểm đen” về trật tự đô thị của thành phố. Vốn là tuyến đê đất của Hà Nội trước kia, đường La Thành hiện nay không vó vỉa hè. Những đoạn hè không hoàn chỉnh đều trong tình trạng nham nhở do những hộ dân hai bên đường tự đầu tư, xây dựng bằng đủ mọi loại vật liệu.

 

Tùy theo kích thước, sở thích và túi tiền của từng gia chủ mà vỉa hè “cá nhân” được làm khác nhau. Cái lát gạch, cái láng xi măng, cái đổ đất san nền; nhà sau cao hơn nhà trước; đi trên hè phố mà như đi trên… non.

 

Thêm vào đó là sự bát nháo, lấn chiếm lòng đường của những hộ kinh doanh, buôn bán sắt thép, sản phẩm đồ gỗ… làm biến dạng cả con đường, biến nó thành nơi ẩn chứa những hiểm hoạ giao thông khôn lường.

 

Đường là trục giao thông chính, có nhiều điểm ăn uống, cộng thêm sự tồn tại của hai trường Đại học và hai bệnh viện, khiến con đường chẳng khi nào vắng “khách”. Bất kể lúc nào, dù giờ cao điểm hay “thấp điểm”, đoạn đường cứ đông nghìn nghịt, ách tắc liên tục xảy ra.

 

Nhức nhối nhất phải kể đến đoạn đường chạy từ ngã tư Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng -Nguyễn Lương Bằng - Đê La Thành đến đoạn ngã tư Giảng Võ - La Thành có chiều dài hơn 800 mét, nổi tiếng về mặt hàng sắt thép. Hầu hết những hộ kinh doanh ở đây biến phần diện tích trước cửa nhà thành xưởng sản xuất và kho tập kết nguyên vật liệu. Họ “vô tư” chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi cắt, hàn sắt thép.

 

Hàng ngày, Công an phường Ô Chợ Dừa vẫn cắt cử lực lượng tuần tra xử lý những trường hợp vi phạm nhưng việc đó chỉ đem lại một kết quả: phố có thêm một nghề mới: trông chừng lực lượng chức năng, đề phòng bị “tập kích”.

 

“Ngõ” Hoàng Mai - Bí bách và xô bồ

 

Đường Hoàng Mai nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai cũng là một trường hợp điển hình. Gọi là đường cho oai chứ thực sự con đường này không khác gì một con ngõ. Mặt đường trung bình rộng 4-5 mét, nhưng có chỗ rộng không quá 3 mét. Dãy nhà san sát ôm lấy đường theo kiểu “thắt cổ chai” càng khiến con đường thêm chật chội, bí bách. Không có vỉa hè, người đi bộ đành xuống đi chung với se đạp, xe máy và ôtô. Giao thông vì thế bát nháo, lộn xộn và xô bồ.

 

Đoạn giáp với đường Trương Định tồn tại một chợ cóc hoạt động khá nhộn nhịp, cảnh người mua kẻ bán tíu tít ngay giữa lòng đường diễn ra suốt từ sáng đến tối khiến các phương tiện lưu thông trên đường hết sức khó khăn.

 

Theo phản ánh của một số người dân trong khu vực, trước đây mặt đường được đổ bê tông nhưng sau một vài năm sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hai bên đường gồ lên những sống trâu, giữa đường là những nắp cống bập bênh không khác gì những cái bẫy chết người. Hệ thống thoát nước chạy dọc tuyến đường cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hàng chục tấm đan bằng bê tông cỡ lớn nằm giữa đường bị gãy, vỡ hoặc bị rơi rụng khiến cho đất, rác tràn xuống lòng cống. Phần đường được trải nhựa cũng bị oằn lún nghiêm trọng, la liệt những ổ gà, ổ trâu như đoạn trước số nhà 24,44, 110, 120, 132…

 

Đào đường để… thi công!

 

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều ví dụ về những con đường đau khổ ở Hà Nội. Rất nhiều tuyến đường cứ hết đào để “thi công” rồi lại lấp, lâu lâu lại tiếp tục đào… thi công các công trình điện, nước, điện thoại ngầm,…

 

Mặt đường cứ thế mà bị bằm nát, rạn nứt hoặc vỡ vụn, lún sụt, gây khó khăn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông và những hộ dân sinh sống hai bên đường. Điển hình là tại ngõ số 2 phố Thái Hà. Trước đây chất lượng mặt đường khá tốt nhưng cách đây hơn 6 tháng, đơn vị thi công đường ống nước đã đào đường lên. Vì làm ẩu, sau khi lấp đất lại, mặt đường xuất hiện rất nhiều vết rạn, có đoạn lún sụt. Một thời gian sau, cả đoạn đường bị chia năm xẻ bảy với chằng chịt những hố nước sâu hoắm.

 

Cùng chung cảnh “nát bét” là những đoạn đường như Tây Sơn (đoạn gần ngã tư Chùa Bộc), đường Nguyễn Khang, ngõ 178 Tây Sơn, phố Vĩnh Tuy, đường vào cảng Khuyến Lương,…

 

Đến bao giờ, Thủ đô mới không còn những con đường đau khổ như thế?

Phạm Phúc Hưng