1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội: Thịt lợn ế ẩm vì dịch bệnh

Tình hình dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Người tiêu dùng ở Hà Nội đã bắt đầu giảm khẩu phần thịt trong thực đơn. Các hộ kinh doanh thịt lợn dù đã giảm đáng kể khối lượng hàng song vẫn ế ê chề.

Ông Phùng Mạnh Tuấn, phó ban quản lý chợ Mơ cho biết, buổi sáng chợ có 20 hàng thịt, buổi chiều chỉ còn 6 hộ kinh doanh mặt hàng này, nhưng việc buôn bán vẫn kém phần nhộn nhịp.

 

Theo chị Nguyễn Thị Loan, chủ kios thịt số 2, chợ Mơ, trước đây, mỗi ngày sạp thịt chị có 8-10kg chân giò, hàng có bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Nhưng mấy hôm nay, hàng không bán được nhiều, từ hai hôm trước (9/5), chị đã cắt giảm xuống còn 3kg chân giò, nhưng xác định chắc là... ế! Tổng khối lượng thịt lợn quầy hàng chị bán ra cũng sụt giảm nhiều. Hiện tại, mỗi ngày chị Loan chỉ bán được gần 40kg thịt, trong khi trước đó, lượng thịt tiêu thụ hàng ngày 60kg là chuyện bình thường.

 

Tại chợ Hôm, thị trường thịt lợn cũng im ắng hơn mọi ngày. Các chủ sạp ở đây đều lắc đầu: hàng bán rất chậm!

 

Chị Đặng Việt Hà (65, ngõ Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết, trước đây, hầu như ngày nào nhà chị cũng mua thịt lợn về chế biến nhưng thông tin về hiện tượng lở mồm long móng bắt đầu xuất hiện ở ngoại thành, nên chị phải thực hiện chế độ “cai” thịt dần cho cả gia đình: “Vì thực tế đúng là chẳng biết lợn bệnh là thế nào, cứ tránh xa là chắc ăn nhất”.

 

Theo ông Phạm Minh Tâm, cán bộ phòng Dịch tễ, chi cục Thú y Hà Nội, lợn khi đưa vào các chợ chính phần lớn đều được kiểm dịch hai lần: lần một tại lò mổ và phúc kiểm của cán bộ thú y tại chợ. Tuy nhiên, lượng thịt ở tỉnh ngoài được chế biến tại trận rồi mới luân chuyển vào chợ vẫn tồn tại bấy lâu thì rất khó kiểm soát.

 

Người tiêu dùng có thể nhận ra lợn bệnh bằng mắt thường nếu phát hiện có máu bầm tụ dưới da, mỡ thâm, màu vàng, ngửi có mũi khét. Một số trường hợp do lợn bệnh được điều trị kháng sinh nên có thể còn ngửi thấy mùi thuốc tồn dư trên thịt.

 

Riêng đối với lợn lở mồm long móng sẽ thấy vết loét, vết xước rất rõ ràng ở móng và quanh mồm lợn. “Xét đến cùng, đó chỉ là dấu hiệu bề ngoài. Căn bản vẫn là dấu kiểm dịch của thú y”. Người nội trợ sẽ chỉ yên tâm khi nhìn thấy dấu kiểm dịch còn trên thịt. Trường hợp người bán nói đã bán hết phần thịt có đóng dấu, người mua nên yêu cầu được xem biên lai kiểm tra của thú y để bảo đảm an toàn. “Khuyến cáo của chúng tôi là người tiêu dùng nên mua hàng từ sớm, hàng muộn có thể lẫn lộn, rất khó phân biệt”, ông Tâm nhấn mạnh.

 

Thông tin từ Chi cục thú y Hà Nội cho hay, hiện tượng lở mồm long móng xuất hiện ở lợn trên 7 xã ngoại thành đang được Chi cục theo dõi và khoanh vùng sát sao. Hiện tại, đã có một số lợn mấy hôm trước phát hiện mang bệnh, do điều trị kịp thời đã hết triệu chứng bệnh.

 

Ông Phạm Minh Tân cho biết, với lợn bệnh được điều trị khỏi triệu chứng sẽ phải bảo đảm thời gian cách ly tối thiểu 21 ngày mà không tái phát mới có thể xem là hết bệnh. Trường hợp lợn được tiêm vắc xin phòng bệnh thì cũng phải sau 1 tháng mới được đưa ra thị trường vì khi đó mới bảo đảm hết hóa chất tồn dư.

 

Theo Ngọc Hà

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm