1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội tăng giá vé xe buýt, cao nhất 20.000 đồng/lượt

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Từ ngày 1/11, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt, giá vé cao nhất là cự ly 40km trở lên, tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa ký quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 1/11.

Theo đó, giá vé xe buýt Hà Nội cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/lượt.

Với những tuyến có cự ly từ 25km đến dưới 30km, giá vé tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.

Hà Nội tăng giá vé xe buýt, cao nhất 20.000 đồng/lượt - 1

Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo ở Hà Nội tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt (Ảnh: Nguyễn Hải).

Với vé tháng, vé tháng bán cho đối tượng ưu tiên bao gồm học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (không kể hệ đào tạo vừa học vừa làm), công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng); liên tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng).

Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).

Giá vé tháng bán cho các đối tượng không ưu tiên đi một tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng), liên tuyến là 280.000 đồng (hiện là 200.000 đồng).

Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, từ năm 2014 đến nay, thành phố không điều chỉnh nên giá vé đang thấp so với mặt bằng thu nhập của người dân.

Theo Sở GTVT Hà Nội, chi phí giá vé xe buýt, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập của người dân, trong khi các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… đều đã tăng cao so với trước đây. Chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đến nay đã tăng khoảng 50% so với năm 2014.

Hà Nội hiện có 132 tuyến xe buýt đang khai thác có trợ giá. Mạng lưới xe buýt phát triển rộng khắp phục vụ người dân, cùng với đường sắt đô thị đã và đang trở thành phương tiện công cộng chủ yếu trong đô thị.

Tuy nhiên, kinh phí trợ giá cho xe buýt ở Hà Nội đang ở mức cao và ngày càng tăng (đặc biệt là giai đoạn 2020-2022). Giai đoạn 2015-2019, ngân sách thành phố trợ giá xe buýt trung bình 1.370 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020-2022 tăng lên khoảng 2.200 tỷ đồng/năm và năm 2023 là khoảng 2.750 tỷ đồng.