1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội sẽ phân làn giao thông 5 tuyến đường trong năm nay

(Dân trí) - Nhằm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, ngày 30/8, Sở GTVT Hà Nội đề xuất thành phố phương án phân làn 12 tuyến đường. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội chỉ đồng ý phân làn 5 tuyến phố trong năm nay.

Từ năm 2003, 3 tuyến đường: Kim Mã; Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; Giải Phóng đã được triển khai nhưng đến nay dòng xe vẫn đi lộn xộn. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, để giảm xung đột giữa các dòng phương tiện giao thông thì biện pháp tách từng loại phương tiện lưu thông theo làn đường riêng biệt là hiệu quả nhất. Việc phân làn giao thông còn giảm tai nạn và tăng khả năng thông xe trên tuyến phố.
 
Hà Nội sẽ phân làn giao thông 5 tuyến đường trong năm nay - 1

Dù đã được phân làn nhưng phương tiện giao thông trên đường Đại Cồ Việt đi lại vẫn rất lộn xộn

Chính vì vậy, Sở GTVT đề xuất thành phố phân làn phương tiện giao thông ở 12 tuyến đường: Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai; Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ; Quang Trung (Hà Đông) - Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi; Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn; Giải Phóng (đoạn từ Pháp Vân tới Lê Duẩn); Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ Cầu Chui - qua cầu Chương Dương); Kim Mã (đoạn từ Voi Phục - bến xe Kim Mã); Hoàng Quốc Việt; Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Đê 401; Phố Huế - Hàng Bài; Bà Triệu; Trần Phú (Điện Biên Phủ tới Lê Trực) - Tràng Thi.

Theo ông Tân, tiêu chí lựa chọn các tuyến đường phân làn dựa trên các yếu tố như: tuyến phố có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông và ý thức của người dân tương đối cao; tuyến đường phố xuyên tâm, vành đai hoặc các tuyến phố phân luồng 1 chiều; những tuyến đường phố có mặt cắt ngang mỗi chiều có đủ chiều rộng từ tối thiểu 10m trở lên.

Ngoài ra, các tuyến phố có khoảng cách giữa các nút giao thông tối thiểu trên 300m; tuyến phố có đầy đủ và hoàn thiện cơ sở hạ tầng (vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hạ ngầm…); tuyến đường đã và đang nghiên cứu tổ chức phân làn theo phương tiện trước đây cũng sẽ tiếp tục được phân làn.

Trước đó, Hà Nội từng ba lần thực hiện thí điểm phân làn giao thông theo phương tiện: năm 2003, là tuyến Kim Mã; năm 2006, tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; năm 2009, tuyến Giải Phóng. Tuy nhiên, hiện nay trên các tuyến đường này dòng phương tiện vẫn lưu thông rất lộn xộn: ô tô, xe máy, xe đạp đi lẫn vào đường của nhau.

Theo ông Tân, do lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường lớn, phức tạp nên việc lưu thông theo làn của các dòng phương tiện (đặc biệt trong giờ cao điểm) là khó thực hiện.
 
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, cuối tháng 9, Hà Nội sẽ phân làn giao thông trên 5 tuyến phố: tuyến Kim Mã (đoạn từ Voi Phục đến Bến xe Kim Mã); tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt (từ Lò Đúc - Kim Liên); Giải Phóng (đoạn từ Pháp Vân - Đại Cồ Việt); Phố Huế - Hàng Bài và tuyến Bà Triệu.
 
Theo kế hoạch trên, các tuyến đường sẽ phân làm hai làn: dành cho ô tô, xe tải và làn dành cho xe máy, xe thô sơ. Việc phân làn phương tiện sẽ được thực hiện thí điểm trong 3 tháng, nếu đạt hiệu quả cao sẽ nhân rộng ra nhiều tuyến phố khác trên địa bàn Hà Nội.
 
Để thực hiện việc phân làn phương tiện, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở GTVT phải sơn kẻ vạch, chữ và hình vẽ từng loại phương tiện trên mặt đường cùng với đó là việc lắp đặt biển báo giao thông để hướng dẫn phương tiện tách làn và chuyển làn.
 
Ông Khôi cũng chỉ đạo các sở ngành liên quan thu hồi các giấy phép cấp cho các tổ chức, cá nhân đỗ xe dưới lòng đường. Đối với các tuyến chọn phân làn phương tiện kết hợp với xử lý điểm đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường không đúng nơi quy định. Trên các tuyến phải sắp xếp bố trí các điểm đỗ.

Quang Phong