Hà Nội: Sẽ hỗ trợ “mạnh” cho nông dân bị thu hồi đất
(Dân trí) - Đề án hỗ trợ người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua sáng nay (17/4). Dự án đưa ra rất nhiều giải pháp mạnh, nhưng khả năng thực thi vẫn khiến nhiều đại biểu... lo ngại.
Đề án có tên đầy đủ “Một số giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp”.
Theo đó, thành phố sẽ thành lập quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp được giao, với trị giá ban đầu của quỹ là 50 tỉ đồng và được bổ sung hàng năm. Từ quỹ này sẽ hỗ trợ tiền học phí và tiền đóng góp cơ sở vật chất trường học cho học sinh ở độ tuổi phổ cập phổ thông.
Hỗ trợ 100% kinh phí bảo hiểm y tế cho người trên 60 tuổi với nam và trên 55 tuổi đối với nữ. Trợ cấp khó khăn cho người già, cô đơn có hoàn cảnh đặc biệt, với mức hỗ trợ tương đương 30kg gạo/người/tháng. Hỗ trợ một lần kinh phí đào tạo một nghề cho người trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề bằng hình thức cấp thẻ học nghề...
Cùng đó, thực hiện lập, duyệt và tổ chức xây dựng các khu kinh doanh dịch vụ tại các khu đô thị, khu công nghiệp tạo thêm việc làm cho người bị thu hồi đất. Có cơ chế về đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng nông thôn tại các khu vực thu hồi nhiều đất nông nghiệp (trên 30%) để tạo điều kiện kinh doanh dịch vụ, phục vụ các khu công nghiệp, đô thị, giải quyết việc làm tại chỗ; đồng thời bảo đảm sự gắn kết hạ tầng của khu đô thị và công nghiệp hiện đại với vùng dân cư cũ.
Góp ý với đề án, đại biểu Phạm Xuân Hằng cho rằng, khi mở rộng Hà Nội, việc giải quyết vấn đề này có ý nghĩa rất lớn, nhưng để các giải pháp trở thành hiện thực là không đơn giản. Đơn cử như việc hỗ trợ bằng thẻ học nghề rất tốt, nhưng các trường trên địa bàn thành phố có nhận không, người mất đất có được học theo nguyện vọng của họ hay không? Theo ông Hằng phải có một vòng tròn khép kín thông qua các quy định để điều này có thể trở thành hiện thực.
Về việc xây dựng các khu kinh doanh dịch vụ ở các khu đô thị, khu công nghiệp, ông Hằng cho rằng, từ giao đất cho đến khi hình thành các khu đô thị thường phải mất đến 2-3 năm, vậy khoảng thời gian trống đó, người nông dân sẽ làm gì?
Ông Hằng cũng đặt vấn đề thành phố phải có hỗ trợ các địa phương, các trường để những nơi này có thể thực hiện miễn học phí, miễn tiền xây dựng cho các học sinh phổ thông trong độ tuổi phổ cập. Có như vậy các trường mới đảm bảo về cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo.
Đại biểu Vũ Đức Tân bày tỏ sự băn khoăn về mục tiêu của dự án, đồng thời cho rằng, phải đặt vấn đề hỗ trợ người bị thu hồi đất nằm trong các dự án. Việc dùng quỹ hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước được đại biểu Tân cho rằng giống như làm từ thiện. Từ phân tích này, đại biểu Tân nêu quan điểm phải xã hội hoá vấn đề.
Ông Tân cũng lo ngại về việc, các dịch vụ ở các khu đô thị, khu công nghiệp hiện nay có tiêu chuẩn rất cao và chưa chắc các doanh nghiệp đã chọn những người lao động tại chỗ mà chọn những người lao động có trình độ cao. Cũng theo ông Tân, các doanh nghiệp có thể nhận người vào làm tại các nhà máy, nhưng sau 6 tháng lại có thể thải ra, trong khi chúng ta chưa có chế tài để ngăn chặn điều này.
Phó Chủ tịch HĐND TP, ông Lê Quang Nhuệ, chia sẻ với lo ngại của đại biểu Tân. Theo ông doanh nghiệp hứa mà không thực hiện, trách nhiệm thuộc về chính quyền. Ông Nhuệ nhận định, vấn đề hỗ trợ người dân bị thu hồi đất tiếp tục là vấn đề nóng hổi trong thời gian tới, thành phố sẽ còn phải bàn nhiều, hỗ trợ nhiều và đề án mới chỉ là ban đầu.
100% đại biểu có mặt (78/78) sau đó đã bấm nút thông qua Nghị quyết về đề án này.
Mạnh Cường