1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội phát triển nhiều thành phố trong thành phố

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Hà Nội sẽ công nhận thành phố Sơn Tây trực thuộc thủ đô. Ngoài ra đẩy mạnh đầu tư phát triển để hình thành thành phố phía Bắc, phía Tây và phía Nam.

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc xem xét, thông qua nội dung Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2035. Nội dung này sẽ được xem xét tại kỳ họp HĐND thành phố dự kiến khai mạc vào ngày 30/9.

Về chỉ tiêu phát triển đô thị, Hà Nội cho biết tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố hiện nay đạt khoảng 49%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 toàn thành phố phấn đấu đạt khoảng 55-65%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2035 toàn thành phố đạt khoảng 60-70%.

Hà Nội phát triển nhiều thành phố trong thành phố - 1

Một góc Hà Nội từ trên cao (Ảnh: Bạch Huy Thanh).

Hà Nội dự kiến sẽ có 16 quận (12 quận hiện có và 4 huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì dự kiến thành lập quận), đồng thời hoàn thành chỉ tiêu chất lượng đô thị của 16 quận nội thành tương đương đô thị loại đặc biệt theo quy định của Luật Thủ đô.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ công nhận thành phố loại III - Sơn Tây trực thuộc thủ đô.

Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc theo quy hoạch chung để tiến tới hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh trong giai đoạn đến năm 2045; đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai để tiến tới hình thành thành phố phía Tây trong giai đoạn đến năm 2045; đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại khu vực Phú Xuyên, Thường Tín để tiến tới hình thành thành phố phía Nam trong giai đoạn đến năm 2045. 

Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông công cộng, thực hiện chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp.

Đáng chú ý, Hà Nội dự kiến tổng vốn cần đầu tư tối thiểu đến 2035 để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị là gần 3.000 tỷ đồng, trong đó gần 1.300 tỷ đồng dành cho hạ tầng khung, hơn 1.700 tỷ đồng dành để nâng cấp đô thị.

Các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị gồm các chương trình, đề án liên quan phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển đô thị tăng trưởng xanh; đô thị thông minh...

Một số chương trình, đề án quan trọng gồm nghiên cứu, xây dựng hệ thống hạ tầng khung của quốc gia và thành phố; ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy đô thị thông minh; phát triển Hà Nội xanh; phát triển giao thông công cộng...

Ngoài ra, có một số chương trình, đề án quan trọng của vùng; chương trình về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chương trình về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2025-2030...