Hà Nội: Phát hiện đường dây làm giả vé cầu đường bộ
242 chiếc vé thu phí cầu đường bộ được làm giả hết sức tinh vi, có mệnh giá từ 450 - 600.000 đồng vừa bị Công an quận Long Biên (Hà Nội) phát hiện thu giữ. Hai đối tượng bị bắt khai, bọn chúng là đầu nậu của một đường dây chuyên in ấn vé cầu đường bộ giả từ tỉnh khác tuồn về Hà Nội tiêu thụ.
Những ngày đầu tháng 11, Công an phường Đức Giang nhận được phản ánh của người dân và một số tài xế xe tải, xe khách, về hiện tượng một số đối tượng thường tìm cách tiếp cận với các lái xe gần trạm soát vé đường Ngô Gia Tự để chào bán vé thu phí cầu đường bộ.
Thông thường, cánh lái xe thường xuyên qua lại trạm soát vé đường Ngô Gia Tự có thể mua vé tháng ngay tại trạm. Tùy theo chủng loại xe, giá vé mua của nhà nước từ 450-600.000 đồng. Tuy nhiên, cùng chủng loại vé, vé giả được bán với giá thấp hơn từ 100-150.000 đồng. Một số tài xế ham rẻ mua vé của các đối tượng này và vẫn qua lại trạm soát vé như thường.
Trước hiện tượng này, Công an phường Đức Giang và đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an quận Long Biên đã bí mật triển khai các biện pháp nghiệp vụ quanh khu vực trạm soát vé. 9 giờ sáng 8/11, lực lượng Công an nhận được tin báo của một tài xế xe khách về việc đang có một đối tượng nữ tiếp thị vé cầu đường bộ cách trạm soát vé hơn 100 mét.
Theo thông tin của người tài xế, đối tượng nữ này chào bán vé tháng xe khách loại 660.000 đồng chỉ với giá 500.000 đồng. Nghi ngờ nguồn gốc của những chiếc vé này, người tài xế một mặt vờ đồng ý nhận lời mua, mặt khác điện thoại báo ngay cho cơ quan công an. 15 phút sau đó, tại khu vực gần cầu Chui, các trinh sát bắt quả tang đối tượng nữ trên đang bán một chiếc vé thu phí cầu đường bộ mệnh giá 660.000 cho tài xế xe ôtô BKS 20K-...
Tại cơ quan công an, ban đầu, Vũ Thị Hằng (SN 1985, quê Lục Nam, Bắc Giang) - tên đối tượng bán vé - rất quanh co, không khai nhận ai đã cung cấp vé cho mình. Theo lời Hằng, sáng 8/11, cô ta được một người trước đây ở cùng khu trọ tại thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm nhờ mang chiếc vé thu phí cầu đường bộ trên đến khu vực cầu Chui để giao cho tài xế xe ôtô BKS 20K-... Hằng một mực quả quyết cô ta không biết chiếc vé này là giả, và chỉ mang giúp người bạn trên đường vào nội thành Hà Nội.
Hằng khai người đưa vé cho cô ta là Vũ Ngọc Lâm (SN 1983, quê Lục Nam, Bắc Giang). Ngay sau đó, Vũ Ngọc Lâm đã bị lực lượng Công an bắt tại quán cà phê số 19 đường Nguyễn Sơn, phường Ngọc Lâm, khi đang chờ Hằng mang tiền vé về thanh toán.
Khám trong người Lâm, các trinh sát thu được 18 chiếc vé thu phí cầu đường bộ có mệnh giá 660.000 đồng. Xác minh sơ bộ, toàn bộ số vé trên đều là vé giả. Lời khai của Vũ Ngọc Lâm cho thấy, anh ta và Vũ Thị Hằng đã có “thâm niên” trong nghề kinh doanh vé thu phí cầu đường bộ giả. Thời gian trước Lâm thường lấy “hàng” của Hằng để mang đi tiêu thụ. Gần đây, Lâm tiếp cận được với một đường dây in vé thu phí cầu đường bộ quy mô hơn nên Hằng lại trở thành “nhân viên” của Vũ Ngọc Lâm.
Ngoài số vé bị kiểm tra, phát hiện trong người, ngay trong đêm 8/11, Công an phường Đức Giang và tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an quận Long Biên đã khám xét khẩn cấp nhà riêng của Lâm tại xã Tam Dị, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Kết quả thu giữ thêm hơn 200 chiếc vé thu phí cầu đường bộ mệnh giá 450 đến 600 nghìn đồng được Lâm giấu trong chiếc vại sành, chôn sâu dưới đất một mét.
Hiện, Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án hình sự, tiếp tục mở rộng vụ án.
“Lỗ hổng” trong quy trình kiểm soát vé
Sau khi hai đối tượng tiêu thụ vé thu phí cầu đường bộ giả bị bắt giữ, tại bộ phận bán vé, trụ sở trạm soát vé đường Ngô Gia Tự, các nhân viên tỏ ra rất bất ngờ về thông tin xuất hiện vé giả, cũng như tình trạng một số tài xế sử dụng vé giả vẫn qua lại trạm kiểm soát trót lọt.
Tìm hiểu quy trình bán và kiểm soát vé tại trạm thu phí này, có thể nhận thấy “lỗ hổng” lớn, đó là gần như không có sự trao đổi thông tin giữa bộ phận bán và kiểm soát vé. Bộ phận bán vé chỉ chuyên bán cho những tài xế có nhu cầu đến mua. Bộ phận kiểm soát lại không nắm được có bao nhiêu chiếc vé đã được bán ra. Chính vì vậy, tình trạng xe không mua vé nhưng vẫn có vé để qua trạm đã không bị phát hiện.
Sự tồn tại của những chiếc vé giả còn được “bảo vệ” do tâm lý của nhân viên kiêm soát vé, vì sợ tắc đường nên không dám dừng xe lâu để kiểm tra sự thật - giả của vé. Chính điều này đã khiến các đối tượng kinh doanh vé giả “sống” được trong thời gian dài. |
Theo Tuổi Trẻ/An Ninh Thủ Đô