1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội ô nhiễm không khí, người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí, khi thấy không khí ở mức xấu cần hạn chế ra khỏi nhà, không vận động tập thể dục ngoài trời.

Gần một tháng nay, không khí ở Hà Nội luôn trong tình trạng mù mịt vào buổi sáng và chiều tối, chỉ số ô nhiễm nhiều ngày ở tốp 5 thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Trong đó, ngày 3/12, ứng dụng IQ Air (sản phẩm của tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ) ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội cao thứ 3 thế giới, ở mức 182, không tốt cho người nhạy cảm, chỉ xếp sau Karachi và Lahore của Pakistan.

Không khí là thứ chúng ta nạp vào cơ thể mỗi phút. Do đó, khi không khí bị ô nhiễm, chất có hại cũng xâm nhập vào cơ thể.

Vậy phải làm gì để hạn chế những tác hại của ô nhiễm không khí đến cơ thể?

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống như của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) hoặc Sở TN-MT các tỉnh, thành phố.

Khi theo dõi thấy chất lượng không khí ở mức xấu, có hại người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, không vận động tập thể dục ở ngoài trời.

Khi ra đường người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng, có thể lọc được bụi PM2.5 (bụi mịn); đeo khẩu trang đúng quy cách. 

Ngoài ra, người dân cần vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, ở khu vực chất lượng không khí xấu.

Ông Tùng cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống; trồng cây xanh quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, chỉ số AQI thường tăng lên rất cao, cao hơn hẳn các tháng còn lại trong năm.

Hà Nội ô nhiễm không khí, người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe? - 1

Sương mù xảy ra vào sáng sớm có thể do nồng độ PM2.5 (các hạt bụi mịn) cao gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân (Ảnh: Tố Linh).

Nguyên nhân là do mùa đông lặng gió, ít mưa hơn so với các mùa khác, kèm với những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí. 

Điều này khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi. Trong khi đó các nguồn phát thải tiếp tục thải vào, kéo chỉ số AQI lên cao.

Ông Tùng đánh giá, nguyên nhân chính khiến không khí ô nhiễm là từ chính các hoạt động của con người và thời tiết, khí hậu có tính chất tác động.

Hiện trong và ngoài Hà Nội có nhiều cơ sở tái chế nhôm, chì,... nhưng không có hệ thống xử lý khí thải theo quy định bảo vệ môi trường dẫn tới ô nhiễm.

Bên cạnh đó, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy dùng xăng, dầu cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6,5 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.

Qua theo dõi từ các hệ thống quan trắc, ông Tùng thấy chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao không tập trung cố định ở một địa điểm.

Nguyên nhân là bụi mịn PM2.5 sẽ di chuyển theo các luồng không khí, dẫn đến một vài địa điểm dù trong một quận, huyện hoặc một thành phố sẽ có mức chênh lệch về chỉ số ô nhiễm.

"Thời gian qua đã có nhiều xe điện được đưa vào sử dụng nhưng so với mặt bằng chung thì tỷ lệ này là rất thấp. 

Tình trạng đốt rác, đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành cũng xảy ra rất nhiều, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến không khí bị ô nhiễm", ông Tùng nói và cho biết, nhiều nước trên thế giới đã hạn chế giao thông cá nhân và xây dựng hệ thống giao thông công cộng như xe bus, tàu điện trên cao...

Nhiều thành phố trên thế giới đã hạn chế xe máy, ô tô dùng xăng dầu và khuyến khích dùng xe điện.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng thời gian qua, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có văn bản đề nghị Sở TN-MT các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn trong thời điểm thời tiết giao mùa.

Cơ quan này yêu cầu tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí, vận hành các trạm quan trắc tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền, kết nối về Sở TN-MT và Bộ TN-MT liên tục, không bị gián đoạn.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị Sở TN-MT báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các huyện, xã vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường.

Hạn chế tình trạng đốt tại ruộng gây ô nhiễm môi trường.

Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.

Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.