1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Nhiều điểm trông xe vẫn thoả sức “chặt chém”

(Dân trí) - Dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng, nhưng đến thời điểm này tình trạng "thổi giá" tại các điểm trông giữ xe lễ, hội của Hà Nội vẫn diễn ra ngang nhiên. Hiện vẫn chưa có một biện pháp thực sự mạnh nào được thực thi để có thể thay đổi tình hình.

Những ngày đầu xuân lợi dụng người người, nhà nhà đi lễ, hầu hết bãi gửi xe ở các khu vực như chùa Trấn Quốc, chùa Hương, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ… đều“thổi” giá vé lên cao,thậm chí hơn gần chục lần so với quy định của Thành phố. Việc một số người trục lợi kiếm tiền trước cửa đền, chùa tái diễn trong nhiều năm qua gây bức xúc trong dư luận và đã được Thành phố ra công văn chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm, nhưng các bãi xe vẫn “chứng nào tật ấy”.
 
Hà Nội: Nhiều điểm trông xe vẫn thoả sức “chặt chém” - 1
Bãi để xe chùa Trấn Quốc không niêm yết bảng giá theo quy định của Thành phố, mỗi lần vào gửi xe người dân phải hỏi giá tiền như mặc cả

“Máy chém tiền” trước cửa chùa

Đầu giờ chiều ngày 11/2, dòng người ùn ùn kéo đến chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội)... Bãi giữ xe tự phát mọc lên như nấm dọc đường Thanh Niên và “phố vẫy” cũng hình thành. Cùng với đó, bãi giữ xe được dịp “chặt chém” các “thượng đế” không thương tiếc.
Qua những lần gửi xe chúng tôi thấy giá xe máy dao động từ 5.000 đến 15.000 đồng/lượt; ô tô không ở đâu có giá dưới 40.000 đồng/lượt.

Ngay trước cổng chùa Trấn Quốc (nằm trên vỉa hè đường Thanh Niên) có sẵn hai tấm bảng chỉ dẫn “nơi đỗ xe chùa Trấn Quốc” nhưng không niêm yết giá vé trên bảng theo quy định của Thành phố. Nghi ngại về việc bị thu giá quá đắt so với ngày thường nên mỗi lần vào gửi xe câu cửa miệng của mỗi người hỏi nhân viên thu vé là “bao nhiêu nghìn/lượt”.

Xe máy gửi bãi này thu với giá là 5.000 đồng/lượt. Trao đổi với chúng tôi, nhân viên trông xe ở đây cho biết, đây không phải là giá thu “đột xuất” của những ngày lễ tết, mà là quy định chung của cả năm. “Gửi được ở bãi này còn may chán, những ngày này không ở bãi nào trên đường Thanh Niên có giá dưới 10.000 đồng/lượt”, nhân viên trông xe cho biết.

“Đi chùa bỏ được 5.000 đồng vào hòm công đức thì cũng phải “công đức” cho bãi gửi xe từ 5.000 đến 10.000 đồng/lượt, nếu số tiền bị nhà xe “chặt chém” dành cho nhà chùa sẽ rất có ích đối với xã hội”, anh Lê Văn Tuấn nhân viên một hãng hàng không bức xúc nói và cho biết, lệ phí gửi xe kiểu này cũng chẳng khác nào bỏ thêm tiền mua vé vào chùa nhưng sau đó giá tiền thực không biết nộp cho nhà chùa hay nhà nước thu thuế được bao nhiêu.

Thực tế cho thấy, giá gửi xe ở khu vực chùa Trấn Quốc vẫn còn “nhẹ nhàng” chán so với khu vực phủ Tây Hồ. Và cũng khác so với bãi xe chùa Trấn Quốc, vé gửi xe ở phủ Tây Hồ do Cục thuế phát hành, ghi rõ mức giá là 2.000 đồng/lượt. Song thực tế sau khi vào chùa cúng lễ ra ngoài lấy xe về nhiều người mới bị “chém đẹp” với mức giá 30.000 đến 50.000 đồng/lượt ô tô, xe máy là 10.000 đến 20.000 đồng/lượt.

Ấm ức với cảnh bị “móc túi” công khai nhiều người thắc mắc thì được câu trả lời lạnh như tiền của nhân viên trông xe rằng “không có tiền gửi xe thì lần sau nhớ đi bộ đến phủ cho rộng bãi”. Quá quen với cảnh bị chặt chém của bãi xe ở phủ Tây Hồ chị Nguyễn Thị Trà ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) nói: “Năm nào vào những ngày này người đi phủ đều bị nhà xe móc túi nhưng không hiểu tại sao chính quyền không giải quyết cho người dân được nhờ. Việc thu gấp cả chục lần so với quy định là không thể chấp nhận được”.

Chị Trà nhẩm tính, sau khi đi 4 nơi có nhiều ý nghĩa, giá trị tín ngưỡng của Thánh phố là Chùa Hà, Trấn Quốc, phủ Tây Hồ và đền Quán Thánh bị “móc túi” gần 100.000 tiền gửi xe. “Hàng triệu người đi lễ đầu năm không hiểu hiểu nhà xe kiếm được bao nhiêu tiền”, chị Trà nói.

Không chỉ những bãi xe trong khu vực nội thành “móc túi” du khách, ngay cả những bãi xe ở khu vực ngoại thành cũng hành xử không kém phần quyết liệt, như ở chùa Hương (huyện Mỹ Đức) giá gửi xe máy có giá từ 8.000 đến 10.000 đồng/lượt; chùa Trăm Gian (Chương Mỹ) là 5.000 đồng.

Phát hiện “sẽ” xử lý nghiêm!

Khi trao đổi với phóng viên Dân trí những đơn vị trực tiếp chịu sự chỉ đạo của Thành phố đều cho biết nếu bắt được sẽ xử lý nghiêm và lặp lại lần thứ 2 sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh!
 
Hà Nội: Nhiều điểm trông xe vẫn thoả sức “chặt chém” - 2
Bãi trông xe đi lễ chùa mọc lên nhan nhản ở vỉa hè đường Thanh Niên

Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ Nguyễn Phúc Quang cho biết, không ai cho phép hay chỉ đạo các bãi trông giữ xe đội giá. “Vé Cục thuế đã in sẵn giá tiền, còn cách làm thì cũng có những vị khách ngày tết “xông xênh” hơn ngày thường nên dễ bị nhân viên trông xe lợi dụng thu quá giá quy định”, ông Quang nói và cho biết quận Tây Hồ dứt khoát phải làm theo quy định của Thành phố và đã bố trí lực lượng chức năng đi tuần 24/24h tạo điều kiện cho nhân dân chơi tết.

Về vấn đề thu giá vé quy định rất nhiều lần ở phủ Tây Hồ ông Quang cho hay đã nhận được thông tin này ngay từ ngày mùng 2 tết. “Việc này chúng tôi cũng chưa bắt được quả tang mà mới chỉ nghe dư luận phản ánh. Bãi xe này phải mua vé của Cục thuế và có giấy phép hoạt động, nếu chúng tôi bắt được vi phạm sẽ xử lý nghiêm, nếu tái diễn lần hai sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh”, ông Quang cho hay.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó ban tổ chức lễ hội Chùa Hương cho biết: “Thực tiễn người trông có thu thêm, họ lấy cớ là tiền trông mũ, tiền vệ sinh. Còn chúng tôi cũng đã khuyến cáo cho du khách trước khi gửi xe nên có thỏa thuận giống như mua bán hàng hóa”, ông Thanh nói.

Theo phó ban tổ chức lễ hội Chùa Hương, áp dụng quy định thu gửi xe với mức giá là từ 2.000 đến 3.000 đồng/lượt là quá thấp so với thời gian lưu xe ở bãi. “Chúng tôi đã đề xuất Thành phố cho thu lên 6.000 đông/lượt. Còn việc nếu phát hiện ra đơn vị nào thu quá giá, sẽ báo cáo với UBND huyện ra biện pháp xử lý”, ông Thanh nói.

Trao đổi với với phóng viên Dân trí phó Chủ tịch UBND Thành phố Hoàng Mạnh Hiển cho biết, thời gian tới sẽ xử lý quyết liệt vấn đề này. Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo sẽ họp bàn với các sở ngành và trực tiếp chỉ đạo các đơn vị này.

Quang Phong