Hà Nội mưa lớn mênh mông nước vào tối qua có phải hiện tượng dị thường?
(Dân trí) - Chiều tối qua (11/5), Thủ đô Hà Nội bất ngờ hứng trận mưa cực lớn, làm nhiều tuyến phố ngập sâu. Chuyên gia khí tượng nhận xét, đó là một dạng "mưa giông nhiệt".
Như đã đưa tin, chiều tối qua (ngày 11/5), Thủ đô Hà Nội bất ngờ xuất hiện trận mưa cực lớn, kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, làm nhiều tuyến phố nội thành ngập sâu, các phương tiện di chuyển rất khó khăn, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng.
Liên quan đến trận mưa trên, sáng nay (12/5), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, với những trận mưa 50-70 mm như hôm qua ở Hà Nội thì không phải là hiện tượng bất thường.
"Trong trận mưa tối qua ở Hà Nội, trạm đo ở khu vực Pháo Đài Láng (Đống Đa - Hà Nội) đo được là 74 mm, còn trạm đo khu vực Hà Đông 25 mm", ông Hưởng nói.
Về nguyên nhân dẫn đến trận mưa nói trên, ông Hưởng giải thích, trận mưa tối qua tại Hà Nội là một dạng "mưa giông nhiệt" thường xảy ra khi áp thấp nóng phía Đông phát triển và chịu tác động của gió Đông Nam yếu từ biển vào.
Theo ông Hưởng, trong thời gian tới, khu vực Hà Nội và một số nơi ở miền Bắc sẽ còn tiếp tục thường xuyên xảy ra các trận mưa bất ngờ tương tự như vậy.
"Thời điểm này thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển tiếp sang mùa Hè nên mưa giông nhiệt về chiều còn lặp lại nhiều lần. Người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh các rủi ro", ông Hưởng cho biết thêm.
Cũng liên quan đến chủ đề mưa, giông, lốc, sét, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, giông, lốc, sét là hiện tượng quy mô nhỏ, do đó công tác dự báo dài ngày là rất khó, nên dự báo trước 2-3 ngày khá khó khăn. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết này lại dễ nhận diện vì nó thường đi kèm với các đám mây đen.
"Khi hoạt động sản xuất, sinh hoạt ngoài trời, người dân rất dễ dự đoán được sắp tới, trong vòng vài chục phút tới chẳng hạn có thể xảy ra mưa giông, sét, lốc khi quan sát thấy các đám mây đen trên bầu trời, gió bắt đầu nổi lên. Chính vì vậy người dân cần khẩn trương tìm nơi trú tránh an toàn", ông Lâm lưu ý.
Ông Lâm lưu ý thêm, thường 30 phút đầu tiên của mỗi đợt mưa giông hay kèm theo gió giật, sét, lốc. Nhưng sau thời gian này, gió giật, sét, giông sẽ giảm dần và chỉ còn lại mưa. Do đó, khoảng 30 phút đầu của trận mưa giông, người dân cần khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn, sau đó thì mới di chuyển.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (11/5), ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Dự báo, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày hôm nay (12/5), ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng trên diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C; riêng khu vực vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C; ở miền Đông Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C.
Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày trong đợt nắng nóng này phổ biến 45-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-17 giờ.
Khu vực Hà Nội, ngày hôm nay (12/5) có nắng nóng với với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-17 giờ.
Cảnh báo, đợt nắng nóng này ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 17/5.