1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Mỗi năm phải “hít” 80.000 tấn khói bụi

(Dân trí) - Cùng với 3 thành phố lớn khác là TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, hiện nay bầu không khí của Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng.

Trung bình mỗi năm Hà Nội phải tiếp nhận 80.000 tấn khói bụi, 9.000 tấn khí SO2, 1.9000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Dự báo, đến năm 2010 nồng độ các loại khí trên sẽ vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7 đến 9 lần trên một số nút giao thông của thành phố Hà Nội như: nút giao thông Ngã Tư Sở, đường Lò Đúc, nút Võng Thị.... Đó là kết luận sau hàng loạt những đợt quan trắc phối hợp giữa Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hà Nội và Viện Hoá học.

 

Chị Nguyễn Thị Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) phàn nàn, đường phố Hà Nội bụi quá. Dù đã phải bịt khẩu trang khi đi làm nhưng khám định kì hàng năm lần nào cũng bị viêm mũi dị ứng.

 

Tương tự, chị Phạm Thu Cúc (Đống Đa, Hà Nội) cũng bức xúc, mỗi lần đi làm ra đường hít phải các loại khói bụi từ những xe đi trước cực kì khó chịu, nhất là khi phải dừng lại các đoạn đèn xanh, đèn đỏ.

 

Tại cuộc hội thảo “Chất lượng không khí và góc nhìn Báo chí” thuộc chương trình không khí sạch Việt Nam - Thụy Sĩ (SVCAP) vừa được tổ chức tổ chức tại Hà Nội, các nhà khoa học xác định “thủ phạm” chính gây ô nhiễm môi trường ở thủ đô hiện nay là do các cơ sở công nghiệp và mật độ phương tiện giao thông quá dày đặc. Toàn thành phố hiện có hơn 400 cơ sở công nghiệp, trong đó hơn 200 cơ sở có khả năng gây ô nhiễm không khí. Về phương tiện giao thông, Hà Nội hiện có hơn 1,6 triệu xe máy, khoảng trên 100 nghìn ô tô các loại.

 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Bảo, Phó Viện trưởng Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội như hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới trung bình hàng năm có khoảng 2,8 triệu người chết do ô nhiễm môi trường. Còn ở Việt Nam hiện nay chưa có một con số thống kê cụ thể nào về các trường hợp tử vông do ô nhiễm môi trường gây ra.

 

Tiến sĩ Bảo cho biết thêm, việc đánh giá về tác động của môi trường lên sức khoẻ con người ở Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn là do thiếu số liệu nền của sức khoẻ cộng đồng, chưa có sự theo dõi ghi chép thường xuyên dẫn đến việc không có những người quản lí thống kê tìm hiểu xem bệnh nhân chết có phải vì ô nhiễm môi trường không...

 

Tại hội thảo, giải pháp cơ bản mà các chuyên gia đưa ra nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Hà Nội hiện nay là, “lái xe sinh thái là phương pháp hài hoà an toàn, tiết kiệm kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

 

Ông Đào Thái Hưng, Cán bộ phụ trách Chương trình không khí sạch Việt Nam - Thụy Sĩ đưa ra ví dụ minh hoạ của việc lái xe sinh thái như khởi động cho máy nóng trước khi sử dụng, không nên phóng nhanh, phanh gấp vừa không an toàn lại gây ô nhiễm môi trường... Đồng thời, những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường cần phải được xử lí dứt điểm ngay.

 

Tuấn Hợp