1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Mất tích một nghĩa trang cổ

Nghĩa trang Ngọc Xuyên ở phường Tứ Liên, Hà Nội có từ nửa cuối thế kỷ XIX với hàng nghìn ngôi mộ rêu phong cổ kính đang sắp biến mất do một số gia đình chiếm đất làm vườn. Nhiều người giờ không biết mồ mả cha ông mình ở đâu.

Chiều nào cụ Nguyễn Thị Thuận, 95 tuổi, trú ở cụm 3, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng lọ mọ ra nghĩa trang Ngọc Xuyên để khói hương cho ngôi mộ cha mẹ, tổ tiên mình. Cụ bảo, việc thường xuyên ra mộ thắp hương chỉ là cái cớ, mục đích chính là cụ đi... trông mộ. Cụ sợ người ta bới tung hoặc san lấp mồ mả tổ tiên cụ để chiếm đất xây nhà nên mấy tháng nay cụ ăn ngủ không yên. Cụ Thuận đã viết một lá đơn tố cáo gia đình ông Nguyễn Đức Khoan đã xâm phạm đến mộ tổ nhà cụ và mồ mả của một số gia đình làng Ngọc Xuyên.

 

Nghĩa trang Ngọc Xuyên, có từ nửa cuối thế kỷ XIX. Từ bấy đến nay, hàng nghìn ngôi mộ trong nghĩa trang Ngọc Xuyên đã cổ kính rêu phong. Những nấm mồ được xây nhỏ, gọn, chứ không phô trương hoành tráng như bây giờ, bởi hồi đó người dân đất bãi Tứ Liên còn nghèo lắm. Tuy nhiên, những tấm bia được ghi bằng chữ Hán vẫn nguyên vẹn rêu phong với tên tuổi, dòng họ. Hàng chục năm trước, nghĩa trang này vẫn còn chìm trong lau lách, vậy mà giờ đây nó đang sắp biến mất bởi những ngôi nhà cứ mỗi ngày mọc thêm, phình ra.

 

Theo cụ Thuận, gia đình cụ cũng như hàng trăm gia đình ở đây đã không dưới một lần phải xây lại mộ, bởi vì các phần mộ bị gia đình ông Nguyễn Đức Khoan và một số hộ ở gần đó liên tục lấp đất lên mộ hoặc tìm cách phá mộ, khiến người nhà không còn biết mộ người thân ở đâu. Nhiều gia đình phải đào bới sâu xuống mặt đất hàng mét mới nhìn thấy bia mộ. Đến khi ông Khoan thuê quản trang và cửu vạn đập mộ, rồi bí mật đem đi nơi khác thì người dân Tứ Liên không chịu nổi nữa, liền viết đơn tố cáo.

 

Theo ông Nguyễn Văn Cương, người cháu cụ Thuận, vào các ngày 25, 26 và 27/3, gia đình ông Nguyễn Đức Khoan đã tự ý thuê quản trang phường Tứ Liên và cửu vạn đào bới một diện tích khá rộng ở nghĩa trang Ngọc Xuyên và đưa gần 20 bộ hài cốt lên mặt đất. Ông Khoan gọi ông Phan Hữu Ban đến nhận. Cực chẳng đã, ông Ban phải chuyển hài cốt tổ tiên đến an táng ở nơi khác. Khổ cho ông Ban, dòng họ Phan Hữu đã phản ứng gay gắt với việc làm của ông và yêu cầu ông đưa hài cốt tổ tiên về chỗ cũ.

 

Gia đình ông Khay cũng có 4 ngôi mộ bị đào bới và vứt tiểu sành tơ hơ giữa trời. Không còn cách nào khác, ông đành phải học theo cách của ông Ban. Ông Cương còn kể rằng, ông Khoan thuê ông Hội, quản trang Tứ Liên cùng một số người khác đào mộ vào ban đêm. Mấy bộ hài cốt để trên mặt đất suốt 10 ngày mà vẫn không có ai đến nhận, vì con cái, họ hàng ở xa, hoặc văn bia đã bị vỡ, hoặc mất, không dịch được nghĩa, không biết là của ai. Đêm đến, ông Hội đem những tiểu sành này ra nghĩa trang chôn tạm bợ. Giờ đây, người dân Tứ Liên đang nháo nhào, không biết mộ chí tổ tiên mình liệu có còn trong nghĩa trang hay đã nằm ở một khu đồng không mông quạnh lạnh lẽo nào rồi.

 

Tuy mộ tổ của cụ Thuận chưa bị đập phá, đào bới thảm hại như những ngôi mộ khác, song cũng đã mấy lần phải xây lại vì ông Khoan và người nhà ông chở đất lấp lên. Cụ Thuận ngày đêm canh cánh lo âu vì không biết ngôi mộ của tổ tiên cụ tồn tại được bao lâu khi mà người ta đã xây nhà đè cả lên mộ. Cụ buồn bã nói: “Chồng tôi đã chết từ lâu, đứa con trai duy nhất cũng đã hy sinh ngoài chiến trường. Giờ tôi gần đất xa trời, sống chẳng được mấy ngày nữa, tôi phải bảo vệ được phần mộ của tổ tiên”.

 

Khi nghe nhắc đến chuyện ở nghĩa trang Ngọc Xuyên, nước mắt cụ Trần Đức Hán rân rấn. Cụ bà bảo, dù đã 80 tuổi, song cụ ông vẫn khỏe. Từ khi phát hiện ra mộ tổ nhà mình bị người ta xây nhà quây lấy, cụ buồn bực mà phát bệnh tai biến mạch máu não, giọng nói cụ méo đi. Cụ Hán cho rằng, trước khi hoàn thiện ngôi nhà mới, chủ nhà sẽ tìm mọi cách để đào 5 bộ hài cốt nhà cụ chuyển đi nơi khác. Cụ đau đớn bởi vì không thể lý giải được trên đời lại có kẻ vô liêm sỉ đến mức định cướp trắng cả đất của người chết.

 

Cụ nói: “Tôi đã không tiếc xương máu để bảo vệ Tổ quốc, nhưng tôi lại không bảo vệ được mồ mả của cha mẹ, tổ tông mình”. Theo cụ Hán thì Tết vừa rồi ra nghĩa trang thắp hương, cụ giật mình khi thấy một dãy nhà cấp 4 sắp hoàn thiện, cùng với một ngôi nhà cấp 4 đã xây xong tọa lạc giữa nghĩa trang. Dãy nhà này là của anh Nguyễn Đức Quang, cháu ruột ông Khoan.

 

Cụ tìm mãi mà không thấy mộ tổ nhà mình đâu. Cụ lục lại trí nhớ và xác định chắc chắn ngôi mộ đã nằm gọn trong một gian nhà của dãy nhà cấp 4. Cũng may, ngôi mộ nhà cụ vẫn còn, chỉ có điều nó đã bị tường xây đè lên và chỉ còn hở mỗi cái nóc mộ khum khum. Từ bấy đến nay, ngày nào cụ cũng ra ngó mộ một lần. Gian nhà xây trùm lên mộ được anh Quang biến thành nơi để vật liệu, đồ đạc.

 

Ngoài ra, trong lòng dãy nhà cấp 4 vẫn còn tới 5 ngôi mộ tổ của dòng họ Trần. Nấm xây tròn của những ngôi mộ này vẫn nhô lên khỏi nền nhà, chân hương còn mới nguyên. Tuy nhiên, ngôi mộ nhà cụ và nhà họ Trần vẫn “may” vì còn nguyên vẹn, chứ cả trăm ngôi mộ khác giờ đã mất tăm mất tích.

 

Theo Phan Dương
Công An Nhân Dân