1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội lý giải việc hàng nghìn người dân thiếu nước sạch giữa thủ đô

Hà Mỹ

(Dân trí) - Hà Nội cho biết nguồn cấp thiếu hụt, chất lượng nước không đảm bảo khiến hàng nghìn người dân rơi vào cảnh thiếu nước sạch. Dự báo năm 2024, nhu cầu sử dụng nước sạch ở thủ đô tăng 5-10%.

Sáng 22/10, Văn phòng UBND TP Hà Nội có báo cáo về công tác chỉ đạo điều tiết cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà và một số khu vực khác xảy ra tình trạng thiếu nước sạch.

Thành phố thừa nhận việc thiếu nước cục bộ ở một số khu vực thuộc Trung Văn (khu vực trường Đại Học Hà Nội) nằm giữa hai quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân do nằm cuối nguồn của hệ thống cấp nước thuộc Công ty Viwaco quản lý.

Hà Nội lập tổ kiểm tra việc cấp nước sạch

Lý giải, chính quyền thành phố nhận định lượng nước cấp cho địa bàn của Công ty Viwaco từ nguồn sông Đà và nguồn sông Đuống thiếu hụt so với nhu cầu. Trong đó, tổng hai nguồn cấp cho Viwaco đạt khoảng 238.000m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu khoảng 240.000-250.000m3/ngày đêm. 

Hiện, doanh nghiệp giải quyết bằng cách vận hành hệ thống bơm để đảm bảo cấp cho khu vực xa nguồn; điều tiết luân phiên; cải tạo mạng lưới giảm thất thoát; vận động nhân dân sử dụng nước hiệu quả tiết kiệm....

"Đến nay, các địa điểm trên đã được giải quyết cấp nước ổn định", theo báo cáo của Hà Nội. 

Hà Nội lý giải việc hàng nghìn người dân thiếu nước sạch giữa thủ đô - 1

Nhiều ngày qua, người dân ở khu đô thị Thanh Hà phải bê xô, chậu đi xếp hàng hứng nước xuyên đêm đến tờ mờ sáng về sử dụng (Ảnh: Thành Đông).

Đến giữa tháng 10, tại khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai), chất lượng nước không đảm bảo dẫn đến việc dừng hoạt động trạm cấp nước cục bộ. 

Sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng xác định Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để cấp nguồn cho Khu đô thị Thanh Hà với lưu lượng truyền tải tăng dần từ 2.880m3/ngày đêm lên 3.143m3/ngày đêm, trên nhu cầu 3.200-3.500m3/ngày đêm. 

Khu đô thị Thanh Hà nằm cuối nguồn của hệ thống nước mặt sông Đuống, với đường ống truyền tải từ nhà máy về là hơn 40km.

Về lâu dài, với nhu cầu sử dụng nước tại đây là khoảng 27.500m3/ngày đêm, người dân sẽ được cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II với công suất 600.000m3/ngày đêm và Nhà máy nước mặt Xuân Mai công suất 300.000m3/ngày đêm. Hai nhà máy này đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Hà Nội lý giải việc hàng nghìn người dân thiếu nước sạch giữa thủ đô - 2

Các xe nước "cứu trợ" được đưa đến khu đô thị Thanh Hà tối 17/10 (Ảnh: Minh Nhân).

Trước mắt, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để điều tiết tối đa nguồn cấp cho khu đô thị Thanh Hà.

Thành phố cũng cho phép Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống bổ sung đoạn tuyến D700 trên địa bàn quận Hoàng Mai để bổ sung khối lượng và tăng áp lực cho khu vực cuối nguồn các huyện phía nam thành phố.

Ngoài ra, Công ty Nước sạch Hà Nội được yêu cầu tăng nguồn nước ngầm để điều tiết nguồn sông Đuống cho khu đô thị Thanh Hà. Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà tăng tối đa công suất cấp nước đảm bảo cấp nguồn cho thành phố.

Với riêng Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà, thành phố đề nghị xây dựng giải pháp khắc phục đảm bảo cấp nước ổn định cho người dân, khẩn trương cải tạo trạm cấp nước cục bộ trong khu đô thị.

Đáng lưu ý, UBND TP Hà Nội cho biết sẽ lập chỉ đạo Tổ công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng trạm cấp nước tại khu đô thị Thanh Hà và xử lý vi phạm nếu có.

Đôn đốc tiến độ các nhà máy nước mặt

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng nước trong năm 2024 trên địa bàn thủ đô tăng khoảng 5-10% so với năm 2023, tùy thời điểm.

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong năm 2024, Sở Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị cấp nước rà soát nhu cầu và duy trì, phát huy tối đa công suất nguồn cấp của các nhà máy nước hiện có, phối hợp điều tiết nguồn cấp giữa các đơn vị cấp nước.

Công ty Nước sạch sông Đuống, Sông Đà cũng được yêu cầu chuẩn bị giải pháp kỹ thuật, pháp lý… để vận hành dự phòng tăng 20% công suất thiết kế trung bình của mỗi nhà máy 300.000m3/ngày đêm lên khoảng 350.000-360.000m3/ngày đêm .

Hà Nội lý giải việc hàng nghìn người dân thiếu nước sạch giữa thủ đô - 3

Nhà máy nước mặt sông Hồng (huyện Đan Phượng) được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện trong quý I/2024 (Ảnh: Quân Đỗ).

Sở Xây dựng cũng cam kết đôn đốc Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng khẩn trương hoàn thành Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm trong quý I/2024.

Trong những năm tiếp theo, thành phố tiếp tục đôn đốc sớm đưa và vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 để nâng công suất lên 600.000m3/ngày đêm, Nhà máy nước Xuân Mai tại Hòa Bình công suất 300.000m3/ngày đêm. 

Đối với các khu vực cuối nguồn bất lợi về nguồn nước, các đơn vị cấp nước xây dựng phương án giải pháp cấp nước chi tiết cho từng khu vực như bổ sung bơm tăng áp di động vận hành van cấp nước theo giờ…