Hà Nội lập chế tài xử lý 114 tình huống vi phạm cụ thể của cán bộ

(Dân trí) - Ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội - cho biết, đơn vị này dự kiến đưa ra 114 tình huống với 7 hình thức xử lý (từ nhắc nhở đến cho thôi việc) những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử.

Sáng 7/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy làm rõ những vấn đề liên quan đến hiệu quả của việc triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 04 nêu rõ, hai bộ Quy tắc trên được cán bộ, công chức, viên chức và người dân TP Hà Nội hưởng ứng, tạo những chuyển biến tích cực trong các cơ quan, nơi công cộng.

Tuy nhiên, dù các cơ quan của TP đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai hai bộ quy tắc trên nhưng vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân gây bức xúc trong dư luận. Ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa có chuyển biến tích cực.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong băn khoăn đến những vấn đề liên quan đến việc giao quyền cho cán bộ như thế nào để nhân dân bức xúc. “Vừa qua, chúng ta xử lý một số cán bộ là trường hợp con sâu làm rầu nồi canh, nhưng cũng là bài học để cán bộ, công chức rút ra cho mình”, ông Thạch nói.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Bí thư Quận ủy Tây Hồ đưa ra đánh giá cả hai bộ Quy tắc trên được triển khai trong năm qua chưa đáp ứng được mong muốn. Theo ông Thắng để bộ Quy tắc trên đi vào cuộc sống cần phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Bởi theo ông Thắng nếu người đứng đầu không nghiêm thì không phát huy năng lực, sáng tạo của cấp dưới.

Phó Giám đố Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Ngọc Nam cũng đưa ra nhận định trong thực thi công vụ cán bộ, công chức vẫn còn có một số tồn tại nhất định. “Đúng là như vậy, đi nhiều nơi tôi thấy cán bộ, công chức ứng xử còn nhiều vấn đề hay lắm”, ông Nam nói và cho rằng vấn đề ứng xử trước trước tiên phải tự mỗi cán bộ, công chức tu dưỡng, rèn luyện.

Theo ông Trần Huy Sáng – Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên nhân căn bản hai bộ Quy tắc trên chưa đạt được kết quả như mong muốn là do chưa có chế tài xử lý nghiêm người vi phạm.

Ông Sáng cho biết, khi được giao nhiệm vụ, Sở này đã xây dựng 114 tình huống với hành vi thế nào thì có 7 hình thức xử lý, từ nhắc nhở đến buộc thôi việc. Tuy nhiên, vấn đề này lại gặp vướng mắc về thẩm quyền thuộc Chính phủ và của Ban Bí thư.

“Giải pháp quyết định để thực hiện được hai Quy tắc ứng xử trên chính là các chế tài. Vì tuyên truyền, tất cả các ngành, các cấp đã vào cuộc rất nhiều, làm lâu rồi nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn”, ông Sáng nói thêm.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng băn khoăn với việc nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức và người dân Hà Nội đã được các cấp ngành đặc biệt quan tâm, nhưng tại sao vẫn có nhiều hành động không đẹp diễn ra, đối xử với nhau không tốt.

Bà Ngọc cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do cơ cấu dân số thay đổi liên tục, nhưng công tác tuyên truyền không đúng đối tượng, dẫn đến bộ quy tắc chưa đi vào cuộc sống. “Rõ ràng chúng ta cũng chưa có chế tài, mà có rồi thì cũng xử lý không nghiêm. Việc đầu tư của Hà Nội trong lĩnh vực này cũng chưa thỏa đáng”, bà Ngọc cho hay.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng bên cạnh việc tuyên truyền tốt để hai Quy tắc trên đi vào cuộc sống, thì cần phải có chế tài xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm. Theo bà Ngọc, trong Luật Thủ đô cho phép Hà Nội đưa ra một số cơ chế đặc thù xử phát trong lĩnh vực văn hóa, có thể xin các cấp cho vận dụng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đồng tình với các đại biểu về việc xây dựng chế tài để xử lý cán bộ vi phạm. “Quá trình triển khai bộ quy tắc phải đạt được kết quả rõ nét trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị”, ông Hải nói.

Quang Phong