Hà Nội: Khó kiểm soát thị trường thuốc
(Dân trí) - 2/3 quầy bán buôn thuốc do Sở Y tế Hà Nội kiểm tra không niêm yết giá một số mặt hàng. Nhiều quầy thuốc bán lẻ khác đã tự ý tăng giá bán mặc dù chưa có sự đồng ý của Cục quản lý dược phẩm.
Chợ thuốc cũng lập lờ giá cả
Sáng ngày 31/3, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra một số trung tâm bán buôn thuốc tân dược. Tổ kiểm tra do ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế, dẫn đầu đã đến 3 quầy tại Trung tâm Dược và thiết bị y tế Ngọc Khánh.
Tại quầy bán buôn thuốc của Công ty dược phẩm Nam Hà do dược sĩ Nguyễn Thị Hiên phụ trách, đoàn kiểm tra ngẫu nhiên 10 trong tổng số 185 sản phẩm thuốc tân dược của cửa hàng thì phát hiện thấy có tới 3 sản phẩm không có giá. Những mặt hàng này chủ yếu là thuốc bổ, thuốc kháng sinh như Cefotaxime, Microxative và Codeforte.
Chị Hiên giải thích lý do: “chưa kịp niêm yết bởi đây là những loại hàng mới nhập về”. Tuy nhiên, lý do này không được chấp nhận bởi hoá đơn nhập khẩu thuốc này đã có cách đây cả tháng?!
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại quầy số 14 của công ty TNHH dược phẩm Xuân Phúc, do dược sĩ Phạm Thị Thúy Cần đứng tên, quầy 15 của Công ty TNHH dược phẩm Thái Bình Dương.Thậm chí, tại quầy 128 Ngọc Khánh nhân viên bán hàng không phải là dược sĩ và cũng không đeo thẻ.
Tiếp tục kiểm tra hai quầy bán lẻ cũng ở khu Ngọc Khánh, Sở Y tế đã phát hiện tình trạng nhiều mặt hàng không niêm yết đầy đủ (một lô sản phẩm10 hộp thì chỉ một hộp có ghi giá). Đặc biệt, tại Công ty dược Hồ Long, nhân viên cửa hàng đã phải ký nhận việc tăng giá của gần 20 mặt hàng, thậm chí có loại tăng hơn 30%.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Để bảo vệ quyền lợi cho người mua, Bộ Y tế đã có quy định: các cơ sở kinh doanh dược đều phải niêm yết giá và không được bán cao hơn niêm yết. Với cơ sở bán lẻ thì phải ghi lên từng hộp thuốc còn với các cơ sở bán buôn, chỉ cần có bảng giá của từng mặt hàng.
Đối với cơ sở vi phạm nêu trên, Sở Y tế sẽ lập hồ sơ xử phạt. Tuy nhiên, khung hình phạt đối với việc niêm yết giá không đầy đủ chỉ ở mức 200-500 nghìn đồng.
Giá thuốc bán lẻ tăng mạnh
Hiện, một số Công ty kinh doanh dược phẩm nước ngoài đã đề nghị tăng giá một số mặt hàng thuốc với lý do là chi phí đầu vào tăng, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ điều chỉnh trung bình từ 3-5%. Mặc dù đề nghị này chưa được Cục quản lý dược Việt Nam (Bộ Y tế) chấp thuận nhưng trên thực tế một số mặt hàng thuốc ngoại đã tăng giá.
Kết quả khảo sát giá thuốc trên toàn quốc do Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược tiến hành trong tháng 3 vừa qua cho thấy, nhiều loại thuốc nhập khẩu đã tăng giá, nhất là thuốc của Mỹ, Ấn Độ, Hungari (có nhiều loại tăng trên 10% như Tardyferon b9, Postinor, Arginin).
Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết; để ngăn chặn tình trạng các cửa hiệu thuốc tự ý tăng giá khi chưa có quyết định của Bộ Y tế, trong thời gian tới Sở sẽ thường xuyên tiến hành các đợt thanh, kiểm tra các cửa hàng thuốc tân dược trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của phóng viên Dân trí, hiện nay, giá thuốc trên thị trường Hà Nội đã tăng khá mạnh. Giá bán ở các cửa hàng thuốc trong và ngoài bệnh viện hoặc cùng trên một khu vực đã có sự chênh lệch từ 5- 10%. Ví dụ chỉ với loại thuốc Codaxmin giá bán tại hai một quầy thuốc ở phố Ngọc Khánh chênh nhau tới 20%. Một số loại thuốc chuyên trị bệnh ngoài da bán tại các quầy thuốc tư nhân bên ngoài Bệnh viện Da Liễu TƯ đã bắt đầu tăng giá, từ 28.000 đồng/tuýp lên 32.000đồng/tuýp; Temprosone từ 38.000/tuýp lên 42.000/tuýp...
Không chịu kém, nhiều loại thuốc nội thông thường trị cảm, nhức đầu, sổ mũi thông dụng cũng bắt đầu bán tại các khu vực Thanh Xuân, Bạch Mai, Trương Định, Ngọc Hà… tăng giá khá mạnh như: Pamin từ 800đồng/vỉ lên 14000- 1.500 đồng/vỉ, Tiffy từ 2.500đồng/vỉ lên 3.800đồng/vỉ; thuốc nhỏ mắt, mũi Natriclorid từ 1.500đồng/lọ lên 2.000đồng/lọ; dầu gấc viên nang Vinagac từ 48.000đồng/lọ lên 51.000đồng/lọ…
Bài và ảnh Phạm Thanh